Thay đổi để đáp ứng yêu cầu từ thị trường Nhật Bản

10:30' - 18/12/2019
BNEWS Để doanh nghiệp tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu như đưa hàng Việt vào chuỗi siêu thị AEON nói riêng và thị trường Nhật Bản nói chung, chính các doanh nghiệp phải có sự thay đổi và thích nghi.

Để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu như đưa hàng Việt vào chuỗi siêu thị AEON nói riêng và thị trường Nhật Bản nói chung, thì chính các doanh nghiệp phải có sự thay đổi, thích nghi, đáp ứng những yêu cầu của thị trường này.

Mặc dù, thị trường tiêu dùng Nhật Bản rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng để xuất hiện trên kệ hàng vào siêu thị AEON đòi hỏi sản phẩm phải tốt, giá cả phải cạnh tranh so với các doanh nghiệp mạnh, đến từ khắp nơi trên thế giới.

*Thị trường tiềm năng

Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư và Du lịch Hà Nội, mặc dù Nhật Bản là thị trường lớn nhưng để tiếp cận thị trường này không hề dễ dàng. Bởi, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chính là đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt trang thiết bị sản xuất.

Người dân đến mua sắm tại siêu thị Aeon Mall Bình Dương. Ảnh: Hải Âu/TTXVN

Trong khi đó, AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, nên các sản phẩm được lựa chọn để bày bán trên kệ hàng của AEON phải trải qua một cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp mạnh, đến từ khắp nơi trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đó là sản phẩm phải tốt, giá cả phải cạnh tranh thì mới vào và bán được tại chuỗi siêu thị này.

Chia sẻ mong muốn mở rộng nhập khẩu hàng hóa của Tập đoàn AEON từ Việt Nam, ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam cho hay, trong số các sản phẩm được nhập sang Nhật Bản từ Việt Nam thì nhiều nhất là sản phẩm may mặc, hàng thủy sản, đồ gỗ,… với lượng cung tương đối ổn định.

Tuy nhiên, sản phẩm may mặc của Việt Nam vẫn phải mua nguyên liệu của phía Trung Quốc và gia công lại rồi xuất sang Nhật Bản. Đó là điều đáng tiếc, khi thị trường Nhật Bản rất mong muốn phía Việt Nam tự cung cấp được nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm của mình.

“Mục tiêu của chúng tôi đưa ra là muốn đặt hàng với các nhà cung cấp Việt Nam với số lượng lớn. Các sản phẩm có thể nhập khẩu từ các nhà cung cấp Việt Nam như: mỳ ăn liền, bánh tráng, thịt gà và cá hồi… và phở cũng là một trong những món ăn chúng tôi muốn giới thiệu với khách hàng tại Nhật Bản”, ông Shiotani Yuichiro nói.

Hiện nay, AEON đang có chính sách không chú trọng giá thành mà nâng cao sản lượng bán ra. Chính sách này bắt đầu áp dụng từ tháng 3/2017 và lượng hàng bán ngày càng tăng lên. AEON đưa ra chính sách này nhằm làm sao chuyển được vùng nguyên liệu từ nhà cung cấp Trung Quốc với giá tương đối cao sang vùng nguyên liệu rẻ hơn như Camphuchia, Myanma, Việt Nam và khi đó sẽ đặt hàng khối lượng lớn với các quốc gia này.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Ikesa, Trưởng phòng Quản lý chất lượng AEON Topvalu Việt Nam cho hay, để sản phẩm có thể được bày bán trong chuỗi siêu thị AEON, ngoài việc hàng hóa tuân thủ theo các yêu cầu của thị trường Nhật Bản thì cần tuân thủ các yêu cầu riêng từ chính tập đoàn.

Tập đoàn AEON sẽ tiến hành 8 bước, lấy trọng tâm là ý kiến khách hàng; trong đó, việc đánh giá nhà máy dựa trên 2 mặt gồm: tiêu chuẩn quản lý chất lượng và điều kiện lao động, quản lý môi trường. Đánh giá hàng sản xuất thử, bắt đầu sản xuất, kiểm tra hàng sản xuất tại nhà máy và bắt đầu bán hàng nếu mọi công đoạn trước đó đều đáp ứng.

Những đơn hàng ban đầu có thể nhỏ, nhưng nếu tập đoàn nhận được những ý kiến phản hồi tốt từ phía khách hàng, Tập đoàn có thể đến trực tiếp doanh nghiệp tại Việt Nam để đầu tư, hướng dẫn sản xuất và đặt hàng với số lượng lớn.

Thực tế, các sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự tại thị trường Nhật Bản. Ông Shiotani Yuichiro dẫn số liệu, 6 tháng đầu năm 2018, ở dòng sản phẩm may mặc, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn thua Myanma. Đối với các sản phẩm khác như: gia dụng, thực phẩm thì con số của Việt Nam cũng không cao bằng các quốc gia khác. Với tiềm lực của mình, Việt Nam có thể thắng được các quốc gia này.

*Hiểu rõ thị trường

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia xúc tiến thương mại và đầu tư vào thị trường Nhật Bản nói chung và đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị AEON nói riêng, bà Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mắc sai lầm khi chưa hiểu rõ về thị trường Nhật Bản.

Cụ thể, có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngộ nhận khi cho rằng doanh nghiệp của mình đã xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Nhật Bản thì đương nhiên sẽ vào được hệ thống siêu thị AEON. Đây là quan điểm sai vì ngay cả các doanh nghiệp làm cung ứng, có thể họ làm sản xuất rất tốt nhưng vấn đề họ còn mải mê với các hợp đồng xuất khẩu mà chưa để ý nhiều đến các vấn đề đòi hỏi sự bền bỉ và có một cuộc cạnh tranh quyết liệt trên mặt trận bán hàng mà người đánh giá cuối cùng là người tiêu dùng nước ngoài.

Là công ty chuyên về lĩnh vực thời trang và may mặc, ông Hoàng Văn Linh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Aligro chia sẻ, việc đưa sản phẩm Việt vào thị trường Nhật Bản nói chung và Tập đoàn AEON nói riêng đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng thị trường, có sự chuẩn bị cho từng bước đi cụ thể thì mới mong thành công.

Về phía công ty cũng đã tìm hiểu rất kỹ về dòng sản phẩm, nguyên liệu, phong cách, kiểu dáng như thế nào, doanh nghiệp đã nghiên cứu và rất mong muốn đưa sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Ngoài vấn đề về nguồn nguyên liệu, chất lượng thì giá thành cũng là vấn đề. Với việc nhập khẩu các máy móc với công nghệ tốt nhất, cùng với lợi thế nhân công giá rẻ, ông Linh đặt niềm tin, sản phẩm của mình sẽ có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Nhật Bản nói chung và trong chuỗi siêu thị AEON nói riêng.

Thực tế, để các doanh nghiệp Việt Nam đưa được sản phẩm Việt vào thị trường Nhật Bản là không đơn giản và không dễ để có thể đáp ứng ngay được thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản. Nhưng khi đã thành công thì sẽ mở cho doanh nghiệp có một vùng trời, một cơ hội, một tiềm năng để vươn tới việc kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp. Đưa được hàng vào siêu thị AEON cũng đồng nghĩa với việc vươn được ra thế giới vì đó là nơi kiểm duyệt khắt khe nhất.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các khách hàng Nhật Bản, Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON Nhật Bản đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống phân phối của AEON, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã ký kết Hợp đồng với Tập đoàn AEON trong 20 năm để đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vào siêu thị AEON tại Nhật Bản và hệ thống siêu thị AEON tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, còn cần tới sự cố gắng, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường của chính doanh nghiệp./.

Xem thêm:

>>Doanh nghiệp Việt hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục