Thấy gì qua việc Indonesia đa dạng hóa nguồn cung vắc-xin COVID-19

05:30' - 22/10/2020
BNEWS Mới đây, Indonesia đã ký một thỏa thuận với công ty dược phẩm AstraZeneca của Vương quốc Anh để cung cấp 100 triệu vắc-xin COVID-19 cho đất nước này vào năm tới.

Trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, Indonesia đã đặt tất cả các hy vọng của mình vào các nguồn cung vắc-xin COVID-19 từ bên ngoài và đang tính toán kỹ lưỡng đối với việc đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn vắc-xin này một cách hiệu quả.

Mới đây, Indonesia đã ký một thỏa thuận với công ty dược phẩm AstraZeneca của Vương quốc Anh để cung cấp 100 triệu vắc-xin COVID-19 cho đất nước này vào năm tới trong chuyến công du 2 ngày tới London, Vương quốc Anh của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Retno Marsudi.

Vắc-xin này hiện đang được Vương quốc Anh thử nghiệm trên người trong giai cuối cùng trước khi chính thức sản xuất đại trà và cung cấp cho các đối tác. 

Đợt giao hàng đầu tiên dự kiến sẽ được thực hiện vào nửa đầu năm 2021 và sẽ được thực hiện dần dần, từng bước. Đó là thông báo của bà Retno trong một cuộc họp báo chính phủ ngày 14/10, sau khi diễn ra chuyến công du đến Vương quốc Anh vì mục đích đặt hàng vắc-xin COVID-19.

Thông báo này được Ngoại trưởng Indonesia đưa ra trong bối cảnh Jakarta đang dốc sức để hạn chế sự gia tăng của số ca nhiễm COVID-19 mới đang ngày càng cao trong suốt thời gian qua.

Ngày 15/10, quốc gia này đã báo cáo có thêm 4.411 trường hợp nhiễm COVID-19 mới chỉ trong một ngày, nâng tổng số người bị lây nhiễm lên 349.160 trường hợp và đã vượt qua Philippines, quốc gia được coi là tâm dịch tại Đông Nam Á. 

Cũng trong ngày 15/10, Indonesia báo cáo đã có 112 trường hợp tử vong mới do COVID-19, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 lên 12.268 người, là tỷ lệ người tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hiệp hội Y tế Indonesia cũng cho biết, đã có 136 bác sĩ thiệt mạng vì COVID-19 kể từ tháng 3/2020 đến nay.

Với tình trạng quá ít xét nghiệm COVID-19 được tiến hành tại Indonesia hiện nay, nhiều chuyên gia y tế công cộng tin rằng con số này có thể không phản ánh đúng thực trạng lây nhiễm COVID-19 tại Indonesia.

Con số thực các trường hợp bị lây nhiễm COVID-19 tại Indonesia có thể lớn gấp nhiều lần số các trường hợp được phát hiện và thông báo.

Trong khi Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) bị chỉ trích gay gắt vì xử lý kém đại dịch COVID-19, Indonesia đã nhanh chóng hướng lái dư luận đến việc nước này đang quan tâm thúc đẩy các hợp đồng mua bán vắc-xin và hợp tác sản xuất vắc-xin với các quốc gia phát triển vì mục đích đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Thỏa thuận AstraZeneca được đưa ra khi Indonesia thông báo rằng họ đang thực hiện các bước để trở thành quốc gia thứ hai ngoài Trung Quốc cho phép sử dụng khẩn cấp một trong những ứng cử viên vắc-xin thử nghiệm của Trung Quốc. 

Theo tờ Wall Street Journal, Chính phủ Indonesia dự định mua 18 triệu liều vắc-xin COVID-19 vào cuối năm nay từ ba công ty Trung Quốc là Sinovac Biotech Ltd., Sinopharm và CanSino Biologics Inc.

Trong đó, có vắc-xin vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng trên người và cũng sẽ sớm kết thúc để phục vụ nhu cầu của thị trường. Và nếu được Chính quyền Indonesia chấp thuận, những liều thuốc này sẽ được cung cấp cho các nhân viên y tế, cảnh sát và binh lính trong trường hợp khẩn cấp.

Theo truyền thông Indonesia, Sinovac cũng đang thử nghiệm vắc-xin của mình tại Indonesia. Tháng 8/2020, Sinovac thông báo họ đã hợp tác với tập đoàn Bio Farma của Indonesia để sản xuất ít nhất 40 triệu liều vắc-xin và sẽ đưa vào sử dụng tại Indonesia trước tháng 3/2021, nếu loại vắc-xin này được thử nghiệm thành công trên người. 

Trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 9/10, đặc phái viên của Tổng thống Jokowi ông Luhut Binsar Panjaitan và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia Indonesia và Trung Quốc trong việc chống lại đại dịch COVID-19, bao gồm việc hỗ trợ Indonesia trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin của khu vực.

Ông Vương Nghị cho biết: "Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Indonesia trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và phân phối vắc-xin, đồng thời hỗ trợ trao đổi giữa các phòng ban và viện y tế liên quan để giúp Indonesia đảm bảo khả năng tiếp cận với nguồn vắc-xin có giá cả phải chăng". 

Tuy nhiên, việc Indonesia đồng thời hướng tới nhiều ứng cử viên cung cấp vắc-xin có khả năng dẫn đến kết quả không như những gì Indonesia mong đợi. Indonesia dường như đang muốn hạn chế nguy cơ của mình bằng cách đảm bảo quyền tiếp cận càng nhiều càng tốt.

Và ở cả hai phía của "sự phân chia vắc-xin" đang phát triển với Trung Quốc, quốc gia này đang cố gắng sử dụng vắc-xin để gia tăng ảnh hưởng cũng như cạnh tranh với các cường quốc phương Tây bao gồm Mỹ.

Ben Bland, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Học viện Chính sách Quốc tế của Sydney, Australia lưu ý rằng các liên doanh vắc-xin rầm rộ của Indonesia dường như phản ánh chính sách đối ngoại truyền thống "độc lập và tích cực" của quốc gia này.

Được xây dựng lần đầu tiên vào những năm 1950, chính sách này được đánh dấu bởi xu hướng cân bằng giữa các khối quyền lực bên ngoài, trong khi vẫn giữ sự xa cách. 

Các chuyên gia nhận định rằng mặc dù có nhiều thất bại trong việc xử lý việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19, sự "độc lập và tích cực" có thể sẽ giúp Indonesia bước vào cuộc đua giành quyền tiếp cận với vắc-xin hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục