Thị trường bất động sản chưa nóng với nỗi lo “bong bóng”

16:52' - 18/05/2016
BNEWS Hiện giá bất động sản mới tăng khoảng 5-10% và cũng chỉ xảy ra ở một số dự án, không phải trên bình diện rộng. Đây là mức giá còn xa so với thời kỳ nóng nhất.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

Tác động của chính sách đến thị trường bất động sản và nguy cơ "bong bóng" là những vấn đề được nhiều người quan tâm qua buổi trực tuyến “Cơ hội đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 18/5, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, vấn đề này thu hút sự theo dõi của cả các nhà hoạch định chính sách đến giới doanh nghiệp và người dân, khách hàng.

Bắt đầu từ năm 2014 và đặc biệt là 2015, thị trường đã hồi phục trở lại và có sự tăng trưởng. Hiện tượng “nóng” được thể hiện ở phần giao dịch khi con số giao dịch thành công của năm 2015 đã tăng trưởng tới 75% so với thời kỳ trầm lắng. Lúc đầu, sự tăng trưởng này chỉ tập trung ở nhà ở xã hội và nhà thương mại diện tích nhỏ, giá thấp.

"Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2015 đến nay đã lan tỏa ra khắp các phân khúc của thị trường. Giao dịch trước đây tập trung chủ yếu ở người có nhu cầu, giờ các nhà đầu tư cá nhân đã bỏ tiền ra mua để cho thuê như condotel (căn hộ khách sạn) hay khách sạn nghỉ dưỡng cho thuê, kiếm lời và đảm bảo tài sản của mình. Việc tăng trưởng các giao dịch này tốt, đúng mong muốn của Chính phủ và xã hội." – ông Nam khẳng định.

Về mối lo “bong bóng” bất động sản theo ông Nam vẫn chưa có hiện tượng gì. Thực tế hiện chỉ khi xuất hiện cầu ảo, chênh lệch giá cả thì mới nói đến bong bóng. Trong thời gian vài năm tới có thể loại bỏ vấn đề "bong bóng".

Tọa đàm trực tuyến "Cơ hội đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới". Ảnh: Thu Hằng/BNEWS

Còn dự báo năm 2018, khi hàng tồn kho hết, cầu tăng thì giá có thể tăng. Lúc đó có "bong bóng" hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố.

Đó là, Chính phủ phải dự báo và có chính sách ổn định, coi trọng thị trường bất động sản, đưa ra các chính sách có tác động đến thị trường, đặc biệt là chính sách về tiền tệ, dòng tiền, dòng vốn, quan điểm của ngân hàng nhà nước.

Thứ hai là phụ thuộc vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có rút được bài học trước đây để đưa ra được các chiến lược và cơ cấu hàng hóa, giá cả phù hợp.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, nếu nói thị trường bất động sản nóng và "bong bóng" thì phải so với khi nào, so với cái gì.

Hiện giá bất động sản mới tăng khoảng 5-10% và cũng chỉ xảy ra ở một số dự án, không phải trên bình diện rộng. Đây là mức giá còn xa so với thời kỳ nóng nhất. Ngoài ra, hiện nay, số lượng dự án, số lượng nhà đang triển khai rất nhiều (nguồn cung dồi dào). Vì vậy, khả năng xảy ra bong bóng trong thời gian tới là rất khó.

Dưới góc độ của nhà nghiên cứu thị trường, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội nhận xét, thị trường đã có những chuyển biến vô cùng tích cực. Đặc biệt, là ở hạng mục căn hộ để bán trên hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Mặc dù trong quý I/2016, thị trường đã đón nhận nhiều thông tin liên quan đến dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Nhưng việc này chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường bởi lẽ rất nhiều dự án vẫn mở bán theo kế hoạch. Còn về giá bán, hiện vẫn đang ổn định, người mua vẫn đang có nhiều sự lựa chọn trên thị trường.

Ở một góc nhìn khác, ông Michael Piro, Giám đốc Điều hành Indochina Land cho rằng, thị trường hiện tại đã tốt lên và không có hiện tượng "bong bóng".

“Với kinh nghiệm ban đầu là dẫn dắt đội ngũ bán hàng, tôi có dịp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và hiểu rất rõ tâm lý và nhu cầu của họ. Tôi thấy có sự khác biệt lớn khi so sánh hiện tại với thời điểm bất động sản nóng. Nếu như thị trường nóng thì khách hàng đầu tư dàn trải không quá kỹ lưỡng, còn ngày nay họ dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ dự án, chủ đầu tư, các gói hỗ trợ hấp dẫn cho họ” – ông Michael Piro cho hay.

Sức hút của bất động sản đã khiến nhiều nhà đầu tư lao vào, kể cả làm trái ngành, trái nghề. Nhưng trải qua giai đoạn trầm lắng với cuộc cạnh tranh khốc liệt đã giúp thanh lọc lại thị trường. Nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng cơ hội đầu tư dành cho bất động không phải lúc nào cũng thuận lợi và còn đòi hỏi cả tính chuyên nghiệp, tính toán hợp lý.

Thị trường lên xuống là chuyện khó tránh khỏi nhưng hiện nay bất động sản đang có những bước phát triển khá ổn định cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, cùng với việc các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những chính sách vĩ mô phù hợp thì các tổ chức tài chính như ngân hàng cũng cần điều tiết hoạt động cho vay để đảm bảo sự minh bạch và tính ổn định của thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục