Thị trường châu Á ngày 23/1: Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản để mất mức cao nhất 34 năm

16:43' - 23/01/2024
BNEWS Thị trường chứng khoán Nhật Bản rời khỏi mức cao nhất 34 năm được thiết lập vào đầu phiên, sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
*Đồng USD suy yếu nâng đỡ giá vàng

Giá vàng tại thị trường châu Á tăng trong phiên giao dịch ngày 23/1, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu trong khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định lãi suất từ một số ngân hàng trung ương và hàng loạt dữ liệu kinh tế tại Mỹ trong tuần này.

Giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 2.030,64 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,5%, lên 2.031,90 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD giảm 0,2% trong phiên này, khiến vàng - vốn được định giá bằng đồng bạc xanh - trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.

Ông Tim Waterer, nhà phân tích thị trường trưởng tại KCM Trade, cho biết thị trường vàng đang "giằng co" cho đến khi nhận được dấu hiệu tiếp theo về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể kích hoạt đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn giữ nguyên lãi suất siêu thấp, đúng  trong một động thái được nhiều người mong đợi. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) họp vào ngày 25/1 và dự kiến sẽ giữ ổn định chính sách tiền tệ. Các quan chức Fed tuần trước cho biết ngân hàng này cần có thêm dữ liệu về lạm phát trước khi đưa ra bất kỳ phán quyết cắt giảm lãi suất nào và thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất có thể là vào quý III /2024. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Các nhà đầu tư cũng sẽ chú ý đến báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sơ bộ của Mỹ vào ngày 24/1, và ước tính tăng trưởng GDP quý IV/2023 sẽ công bố vào ngày 25/1, sau đó là dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân vào ngày 26/1, trước cuộc họp tiếp theo của Fed vào ngày 30-31/1.

Thời điểm 15 giờ 56 phút, tại thị trường Hà Nội, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 74- 76,52 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

*Giá dầu đi ngang sau các quan ngại của giới đầu tư

Giá dầu tại thị trường châu Á dường như không thay đổi trong phiên giao dịch 23/1, khi các nhà giao dịch cân nhắc một loạt nhân tố liên quan tới vấn đề cung và cầu, từ căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đến thời tiết lạnh làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu ở Mỹ.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2 xu Mỹ, lên 80,08 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 3 xu Mỹ, lên 74,79 USD/thùng. Cả hai hợp đồng dầu này đều tăng khoảng 2% vào phiên 22/1, do cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào kho xuất khẩu nhiên liệu Ust-Luga của Novatek-nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Nga. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về nguồn cung và đẩy giá dầu lên cao. Các nhà phân tích cho biết Novatek có thể sẽ tiếp tục hoạt động trong vòng vài tuần.

Trong khi đó, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu trong và xung quanh khu vực Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động vận tải toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về lạm phát. Một số nhà phân tích cũng vẫn lạc quan về các yếu tố cơ bản của thị trường trong ngắn hạn vì những xung đột đang diễn ra này.

 

Nhà phân tích Leon Li tại CMC Markets tại Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết: “Không có bất kỳ mối lo ngại nào về suy thoái kinh tế, tác động của thời tiết khắc nghiệt đối với sản xuất dầu thô của Mỹ và sự leo thang xung đột địa chính trị vẫn hỗ trợ giá dầu”.

Tại Mỹ, 20% sản lượng khai thác tại Bắc Dakota vẫn bị tạm dừng do thời tiết cực lạnh và những thách thức trong vận hành. Tuy nhiên, việc hạn chế mức tăng giá là những lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc, điều này đang làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu do nền kinh tế khổng lồ châu Á này là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

*Chứng khoán châu Á biến động trái chiều

Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 23/1. Thị trường chứng khoán Nhật Bản rời khỏi mức cao nhất 34 năm được thiết lập vào đầu phiên. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc chật vật để đi lên giữa lúc xuất hiện những suy đoán về gói hỗ trợ khổng lồ từ Chính phủ đã "xoa dịu" tâm lý của các nhà đầu tư đang lo lắng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,9%, được thúc đẩy bởi đà tăng của thị trường cổ phiếu Trung Quốc.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo giảm 29,38 điểm (0,08%), xuống 36.517,57 điểm. Đầu phiên này, chỉ số Nikkei 225 chạm mức cao mới trong 34 năm, sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Tuy nhiên, xu hướng bán tháo chốt lời vào cuối phiên đã xóa sạch nỗ lực tăng điểm trước đó. Dù vậy, tính từ đầu năm 2024 tới nay, chỉ số này vẫn tăng 9%.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa tăng điểm vào phiên 23/1, khi các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu giá hời, sau khi chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại vào phiên trước. Kết thúc phiên này, chỉ số Kospi tăng 14,26 điểm (0,58%), lên 2.464,35 điểm.

Tại thị trường Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là thượng Hải và Hong Kong đồng loạt bừng sắc xanh, sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi có thêm biện pháp để thúc đẩy thị trường cổ phiếu đang suy yếu của nước này. Khép phiên, chỉ số Hang Seng tăng 2,63%, tương đương 392,80 điểm, lên 15.353,98. Trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 0,53%, tương đương 14,64 điểm, ở mức 2.770,98 điểm.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên 23/1, chỉ số VN-Index giảm 5,36 điểm, 0,45%, xuống 1.177,50 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 0,51 điểm, hay 0,22% xuống 229,26 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục