Thỏa thuận Aecon thể hiện điểm yếu trong đối sách của Canada đối với Trung Quốc

06:30' - 08/06/2018
BNEWS Việc Canada gặp lúng túng và lo sợ mối đe dọa từ Trung Quốc trong các vụ mua bán giữa các tập toàn lớn của Trung Quốc và nước này.
Thỏa thuận Aecon thể hiện điểm yếu trong đối sách của Canada đối với Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Điều này cho thấy Canada đang thiếu tầm nhìn và các chính sách để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Đây là nhận định của phó Giáo sư Robert J. Hanlon thuộc Khoa Quan hệ quốc tế và Chính trị châu Á, Đại học Thompson Rivers.
Trong bài viết được đăng trên trang web theconversation.com, phó Giáo sư Hanlon nhận xét việc Chính phủ Canada từ chối một tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc mua doanh nghiệp xây dựng khổng lồ Aecon của Canada với giá 1,5 tỷ USD vì lý do “an ninh quốc gia” phản ánh tính dễ tổn thương của Canada trong một kỷ nguyên ngày càng phức tạp - được mệnh danh là "Thế kỷ Trung Quốc".
Ngành xây dựng của Canada đặc biệt dễ bị tổn thương do lịch sử lâu đời của Trung Quốc về chuyên môn trong phát triển kỹ thuật và cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, Trung Quốc rất giỏi xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thỏa thuận Aecon thất bại là một thách thức đối với Canada và các đồng minh phương Tây. Các quốc gia thương mại tự do làm việc như thế nào với một nhà nước có thể chế chính trị hoàn toàn khác, mà lại có thể trở thành nhà vô địch trong trật tự thương mại tự do? Đây là một câu hỏi mà Ottawa vẫn chưa có câu trả lời.
Khi người dân Canada đang còn tranh luận về một Trung Quốc đang trỗi dậy, Bắc Kinh đã mạnh mẽ định vị như một sự thay thế khả thi và thực dụng cho mô hình phát triển của phương Tây. 
5 năm qua, thế giới đã chứng kiến Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong các tổ chức đa phương như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển Mới (NDB do khối BRICS thành lập) khi nước này đầu tư mạnh vào các quốc gia đang phát triển.
Bất chấp những lo ngại của phương Tây về triết lý “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình và việc sửa đổi hiến pháp gần đây cho phép ông nắm giữ quyền lực vô thời hạn, Bắc Kinh vẫn cần bạn bè. 
Nước này đang tích cực theo đuổi, tìm kiếm các đối tác đầu tư, bao gồm cả những đối tác ở Canada, để tăng cường nguồn lực và cơ hội nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước của mình.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm các khoản đầu tư quy mô lớn, quan hệ đối tác kinh doanh và đầu tư tích lũy tài nguyên. Sự thật là các doanh nghiệp Canada không thể cạnh tranh với các tập đoàn khổng lồ do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Nỗ lực gần đây nhất thông qua việc tiếp quản Aecon cũng vượt xa bất kỳ một công ty nào khác.
Tác giả bài viết đặt câu hỏi trong bối cảnh như thế, khái niệm “lợi ích an ninh quốc gia” có thực sự là lý do, hay nhiều nhóm lợi ích đặc biệt của Canada đang lo ngại về sự cạnh tranh của Trung Quốc sẽ ngày càng lớn hơn? 
Ông Hanlon cho rằng việc sử dụng ngôn từ chống Trung Quốc là điều không có lợi. Các nhà xây dựng chính sách nên từ bỏ “lời hùng biện chống Trung Quốc” và suy nghĩ nghiêm túc về cách mà trật tự thương mại toàn cầu đang vận động. Canada nên tìm cách giảm bớt những ngôn từ chống Trung Quốc thì các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do Canada - Trung Quốc mới có thể tiến lên phía trước.
Mặt khác, theo ông Hanlon, Ottawa nên xây dựng một chính sách “không đảng phái” rõ ràng để làm việc với một Trung Quốc khác thể chế mà vẫn phù hợp với lợi ích quốc gia của Canada. Điều quan trọng nhất hiện nay là phát triển một nhóm chuyên gia đặc biệt để gây dựng một chính sách cụ thể và dài hạn với Trung Quốc.
Trong diễn biến có liên quan, các cơ quan tình báo ở cả Canada và Mỹ đã cảnh báo rằng các công ty thuộc sở hữu hoặc một phần thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc không chỉ đơn thuần là hoạt động tìm kiếm lợi nhuận.
Họ cũng dễ dàng chuyển giao thông tin hoặc công nghệ cho Bắc Kinh và đưa ra các quyết định kinh doanh có thể xung đột với lợi ích của Canada nhưng phục vụ chương trình nghị sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nội các liên bang của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã quyết định ngăn Tổng công ty TNHH Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) mua Aecon Group Inc. vì lý do an ninh quốc gia, với quan ngại doanh nghiệp này có thể kiểm soát các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và đe dọa chủ quyền của Canada. 
Aecon là một đối tác trong dự án nâng cấp Trạm phát điện hạt nhân Darlington của tỉnh Ontario trị giá 2,7 tỷ CAD, cũng là đối tác đang xây dựng đập thủy điện Site C lớn ở tỉnh British Columbia. Gần đây, Aecon đã đấu thầu dự án xây dựng và vận hành cầu quốc tế Gordie Howe nối Windsor Detroit trị giá 4,8 tỷ CAD.
Đại sứ Trung Quốc tại Canada Lu Shaye cáo buộc Chính phủ Canada đã phân biệt đối xử, ngăn chặn một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc mua một công ty xây dựng Canada khi viện dẫn các mối đe dọa chủ quyền vì khái niệm “lợi ích an ninh quốc gia” mơ hồ. Ông coi đây là hành vi mở rộng và chính trị hóa khái niệm an ninh quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục