Thông tư 03: Cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn thu

17:55' - 14/04/2021
BNEWS Dự báo dịch vụ lưu trú khó khăn sẽ kéo dài do thị trường du lịch chưa mở cửa cho khách quốc tế vào, nên kể cả cơ cấu thời gian trả nợ thêm 12 tháng thì doanh nghiệp chưa thể trả nợ.
Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 14/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, Thông tư số 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, được xây dựng dựa trên quan điểm hỗ trợ khách hàng nhưng phải phản ánh đúng năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và phải đảm bảo được nguồn thu ngân sách.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các ngành và lĩnh vực; trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành vận tải và dịch vụ lưu trú. Theo đánh giá của ngân hàng, khó khăn hiện nay với một số ngành, lĩnh vực liên quan đến dịch vụ lưu trú, giao thông vẫn còn tiếp tục kéo dài trong khi một số ngành khác đã bắt đầu phục hồi, tăng trưởng.

Theo bà Phạm Thị Trung Hà, dự báo dịch vụ lưu trú khó khăn sẽ kéo dài do thị trường du lịch chưa mở cửa cho khách quốc tế vào, nên kể cả cơ cấu thời gian trả nợ thêm 12 tháng thì doanh nghiệp chưa thể trả nợ. Đặc biệt là tại khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, là các tỉnh liên quan đến phát triển chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Đối với lĩnh vực dịch vụ lưu trú nếu cho thêm 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ thì vẫn còn khó khăn. Nếu cơ cấu từ năm nay, thêm 12 tháng là năm 2022, khi mở ra thị trường quốc tế, các đơn vị trả nợ mới có nguồn thu.

Do đó, bà Phạm Thị Trung Hà cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu có giải pháp cụ thể đối với lĩnh vực dịch vụ lưu trú.

Cũng theo bà Phạm Thị Trung Hà, sau khi ngân hàng thực hiện giảm lãi suất, các doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt hơn. Từ khi cơ cấu nợ năm 2020, đã có tới 80% khách hàng có thể trả nợ đúng hạn, còn 20% chưa trả nợ đúng hạn, tập trung lĩnh vực lưu trú, du lịch, dịch vụ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, Thông tư 03 được ban hành dù hơi chậm so với mong mỏi của các tổ chức tín dụng song đáp ứng được kỳ vọng, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ sự lúng túng cho các tổ chức tín dụng trong các hoạt động cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2021 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoản nợ được cơ cấu lại phải đảm bảo các điều kiện là thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời gian từ ngày 23/1/2020 đến hết năm nay.

Đồng thời, khoản nợ được đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận do bị ảnh hưởng của dịch COVID -19.

Thông tư cũng nêu rõ, khách hàng phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

Ngoài ra, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày được hưởng chính sách ưu đãi này.

Đối với việc miễn, giảm lãi suất và phí, trong thông tư, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng quyết định việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại thông tư này thực hiện đến hết năm nay.

Ngân hàng nhà nước yêu cầu chỉ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020, thuộc diện được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020.

Về trích lập dự phòng rủi ro, theo hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung được xác định là dương. Tổ chức tín dụng thực hiện trích bổ sung dự phòng cụ thể đến thời điểm 31/12/2021, tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung; đến thời điểm 31/12/2022, tối thiểu 60% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung; đến thời điểm 31/12/2023, 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/5./.

>>>Giám sát không để người dân sử dụng vốn chính sách sai mục đích

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục