Thử thách cho các nhà đầu tư bất động sản thương mại

08:51' - 01/08/2023
BNEWS Lãi suất tăng, lạm phát cao dai dẳng và các điều kiện kinh tế bất lợi vẫn là những mối lo thường trực đối với những người mua bất động sản thương mại.
Các nhà đầu tư bất động sản thương mại và các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực này đang đối mặt với một vấn đề gai góc. Đó là khi mọi người không còn mua sắm tại các trung tâm thương mại hay làm việc tại các văn phòng theo cách trước đại dịch thì liệu những gì họ đầu tư vào các bất động sản thương mại sẽ an toàn đến đâu.

Lãi suất tăng, lạm phát cao dai dẳng và các điều kiện kinh tế bất lợi vẫn là những mối lo thường trực đối với những người mua bất động sản thương mại hiện đang chờ nhu cầu thuê phục hồi và lãi suất giảm.

Sự đi xuống mang tính chu kỳ hiếm khi gây hiện tượng bán tống tháo, nếu các ngân hàng tin rằng nhà đầu tư có thể thanh toán khoản vay và giá tài sản trên mức nợ.
 
Mặc dù vậy, các nhà phân tích, các học giả và nhà đầu tư cảnh báo tình hình hiện nay có thể khác.

Khi việc làm từ xa trở nên quen thuộc với nhiều công ty và người tiêu dùng có thói quen mua hàng trực tuyến, nhiều tòa nhà ở các thành phố như London, Los Angeles và New York kém sôi động.

Điều đó có nghĩa giá các tòa nhà chọc trời ở trung tâm thành phố và các khu mua sắm lớn có thể cần nhiều thời gian để phục hồi. Nếu không có người thuê, các chủ nhà và các ngân hàng có nguy cơ lỗ lớn hơn trong các chu kỳ trước.

Moody's Investors Service hồi tháng 6 cho biết, các ngân hàng toàn cầu nắm khoảng một nửa trong số nợ 6.000 tỷ USD của lĩnh vực bất động sản thương mại.

Các ngân hàng của Mỹ công bố lỗ gia tăng do bất động sản trong nửa đầu năm và cảnh báo sẽ còn tăng hơn nữa.

Trong khi đó, Phó Giám đốc đầu tư tại DoubleLine, Jeffrey Sherman, cho rằng tình trạng rút tiền gửi có thể xảy ra bất cứ khi nào, khi khách hàng rút tiền gửi ngân hàng để đầu tư vào các quỹ thị trường tiền tệ không có rủi ro và trái phiếu chính phủ.

Theo ông, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, thì đây vẫn là "một quả bom hẹn giờ".

Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách vẫn tin rằng sự thay đổi trong khái niệm "đi làm" hậu đại dịch sẽ không báo trước một cuộc khủng hoảng tín dụng như năm 2008-2009./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục