Thủ tướng Angela Merkel: Đức sẽ không "bênh" Anh trong đàm phán Brexit

10:03' - 28/03/2017
BNEWS Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ lập trường cứng rắn đối với các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ đóng góp tài chính của Anh đối với Liên minh châu Âu (EU) do việc nước này rời khỏi EU.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định lập trường cứng rắn trong đàm phán Anh rời EU. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN

Tờ Thời báo tài chính (Financial Times) của Anh chiều 27/3 đưa tin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ lập trường cứng rắn đối với các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ đóng góp tài chính của Anh đối với Liên minh châu Âu (EU) do việc nước này rời khỏi EU.

Quan điểm của bà Merkel là phải đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về việc Anh rời EU trước khi tiến hành thảo luận chi tiết trong tương lai.

Thủ tướng Merkel từng bày tỏ quan điểm muốn giữ quan hệ "thật gần gũi" với Anh, nhưng đến nay Chính phủ Đức đã ưu tiên duy trì sự thống nhất trong EU do những thách thức mà khối này đang đối mặt như vấn đề nhập cư, những căng thẳng trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và mối đe dọa từ các chính khách theo đường lối dân túy tại các đảng dân tộc ở Pháp và Ba Lan.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, nhân vật thân cận của bà Merkel, nói với tờ Financial Times rằng Đức không có ý định gây sức ép với Anh và cũng không muốn vấn đề hội nhập của EU gặp nguy hiểm do Anh rời EU. Ông Schäuble nhấn mạnh, "ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là gắn kết bền chặt các nước EU khi không có Anh".

Trong một diễn biến liên quan khác, một nguồn tin từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 27/3 cho biết, nhiều quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc, Nga, Argentina và Mỹ, đã bày tỏ sự quan tâm tới tác động của Brexit đối với các thỏa thuận mà Anh cam kết tại WTO.

Vấn đề này được Indonesia đưa ra tại Ủy ban Nông nghiệp của WTO, với những hoài nghi về phương hướng giải quyết của London đối với hệ thống thuế áp cho các sản phẩm nông nghiệp và việc dành ưu đãi thương mại đối với các nước nghèo hơn sau khi Anh rời EU.

Mặc dù cùng là thành viên WTO, song Anh tham gia tổ chức này dựa trên những cam kết chung của EU. Việc Anh rời EU sẽ buộc nước này phải xem xét lại nghĩa vụ của mình với tư cách là một thành viên độc lập trong WTO.

Các nhà phân tích cho rằng, khó khăn sẽ phát sinh trong mảng đàm phán về thuế và trợ cấp đối với sản phẩm nông nghiệp. Anh sẽ cần phải có được sự đồng ý của 163 thành viên còn lại trong WTO về mức trợ cấp đối với nông dân và hạn ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông sản với mức thuế thấp./.

>>> Vấn đề Brexit: "Sóng ngầm" dần lộ diện

>>> Nhìn lại hành trình Anh rời khỏi EU

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục