Thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

14:14' - 28/12/2022
BNEWS Tỉnh Ninh Bình và các tỉnh, thành phố trong Vùng Đồng bằng sông Hồng có dịp giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc hấp dẫn về tài nguyên du lịch, văn hóa lịch sử của các địa phương, các điểm đến.

Ngày 28/12, tại Ninh Bình Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng Sông Hồng với chủ đề “Hợp tác - Phát huy thế mạnh – Cùng phát triển”. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả hợp tác phát triển du lịch các địa phương trong Vùng Đồng bằng Sông Hồng; đồng thời là dịp để tỉnh Ninh Bình và các tỉnh, thành phố trong Vùng giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, văn hóa lịch sử của các địa phương, các điểm đến.

Tại hội nghị, ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình có đến 1.821 di tích lịch sử, văn hoá, mà tiêu biểu nổi tiếng như: vườn quốc gia Cúc Phương, khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Vân Long, nhà thờ đá Phát Diệm… và đặc biệt quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Lĩnh vực du lịch của tỉnh đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn. Đặc biệt, ngành Du lịch Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đã tạo ra bước đột phá, mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân của tỉnh giai đoạn 2010-2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Giai đoạn 2020-2021 do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên với những biện pháp đầu tư, xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân làm du lịch, hoạt động du lịch của tỉnh năm 2022 có những bước phát triển trở lại. Cụ thể, tỉnh ước đón gần 4 triệu lượt khách du lịch; trong đó, có gần 60.000 khách du lịch quốc tế, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Ông Trần Huy Đức, Trưởng Bộ môn, Khoa Du lịch và khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến du lịch hay thương hiệu điểm đến du lịch luôn có vai trò quan trọng trong việc thu hút các đối tượng khách du lịch mục tiêu khác nhau.

Với đặc điểm của sản phẩm du lịch với tính tổng hợp, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan (tổ chức và cá nhân) trong việc tạo ra sản phẩm, dịch vụ... vậy làm thế nào để thu hút và giữ chân khách du lịch lưu lại dài hơn tại các điểm đến du lịch

Theo ông Trần Huy Đức, các địa phương cần xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến, thương hiệu điểm đến du lịch với những giá trị tích cực, tính hấp dẫn riêng đề thu hút sự quan tâm của các học giả, cũng như trong thực tế triển khai hoạt động du lịch. Đồng thời, các địa phương cần xác định những giá trị cốt lõi và những hệ giá trị khác mà vùng, điểm đến du lịch đó có, hoặc tạo lập mới, phát triển và duy trì. Những giá trị đặc trưng, riêng có của vùng đó có thể chỉ được nhận ra với sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, trên cơ sở đó, du lịch với vai trò là trung tâm kết nối sẽ kết nối những giá trị đặc trưng riêng có này để hình thành các chuỗi giá trị đặc trưng tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng.

Bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua Sở Du lịch Hà Nội đã hỗ trợ các tổ chức như: Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội, Câu lạc bộ du lịch Thủ đô và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tổ chức khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch Hà Nội và kết nối với các tỉnh thành trong cả nước để có sản phẩm phù hợp với tình hình mới phục vụ nhu cầu khách du lịch nội địa. Mong rằng 2023 ngành du lịch sẽ cho ra các sản phẩm liên kết cụ thể hơn, đặc biệt trước mắt sẽ triển khai tuyến đi bộ Chùa Hương –Tam Chúc.

Bà Nguyễn Hương Giang cũng đề xuất, mỗi địa phương cần tập trung hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của từng tỉnh, thành phố theo hướng phát triển dài hạn, phát triển bền vững. Theo đó, các tỉnh cần có những biện pháp khai thác tài nguyên tại các điểm du lịch theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành sản phẩm, tăng cường xúc tiến, quảng bá,  không để bị “thương mại hóa” hoặc bị lạm dụng cho các mục đích khác khi đầu tư, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch.. để sớm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo mang đặc trưng riêng của địa phương./.

>>>Liên kết phát triển sản phẩm tour du lịch tâm linh Chùa Hương - Tam Chúc - Tràng An

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục