Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại sẽ gặp thách thức gì?

21:14' - 08/11/2018
BNEWS Tạo điều kiện thuận lợi hóa thương mại không chỉ là cam kết của Việt Nam khi tham gia FTA mà còn là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế: Tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Tp. Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8/11.

Tham gia các FTA đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, từ khi đổi mới đến nay, hội nhập kinh tế quốc tế luôn là một trụ cột quan trọng của cải cách kinh tế Việt Nam.

Những giai đoạn hội nhập kinh tế mạnh mẽ nhất cũng là những giai đoạn mà Việt Nam có kết quả cải cách kinh tế và tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, giá trị mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại không chỉ nằm ở các cam kết cắt giảm thuế quan xuất nhập khẩu mà còn tạo động lực, sức ép cho những cải cách có tính nền tảng, lâu dài trong môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Cùng quan điểm, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương phân tích, việc tham gia các FTA đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ được cắt giảm đáng kể các dòng thuế quan, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Minh chứng rõ nét nhất là vào năm 1995 khi Việt Nam tham gia FTA đầu tiên (gia nhập ASEAN), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 5,4 tỷ USD, đến năm 2018 khi đã tham gia ký kết và thực thi 10 FTA thì giá trị xuất khẩu của Việt Nam ước tính sẽ đạt gần 214 tỷ USD. Nhưng lợi ích của việc tham gia các FTA còn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính....

Các cam kết trong hội nhập chính là sức ép khiến Chính phủ và các cơ quan quản lý phải thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách và quản lý doanh nghiệp theo hướng minh bạch hơn.

Theo ông Ngô Chung Khanh, hội nhập kinh tế quốc tế còn thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển.

Lợi ích của việc tạo thuận lợi thương mại là rất rõ ràng và theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nếu thực hiện đầy đủ các cam kết theo Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại, có thể giảm tới 18,3% chi phí thương mại của Việt Nam.

Còn nếu giảm 1 ngày thực hiện thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới thì nền kinh tế tiết kiệm tương đương khoảng 1% tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu trong một năm.

Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, kết quả thực hiện thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam hiện còn rất khiêm tốn. Xếp hạng thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam thuộc nhóm giữa trên toàn cầu và trong ASEAN, nhưng còn cách xa Thái Lan, Malaysia và Singapore ở nhiều chỉ tiêu.

Cụ thể, hiệu quả Logistics là một trog những yếu tố quan trọng trong thuận lợi hóa thương mại lại không được cải thiện trong những năm qua. Thêm vào đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì kết quả cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành của Việt Nam đang dậm chân tại chỗ, thậm chí chỉ số thứ hạng về giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam còn tụt hạng từ 94 năm 2017 xuống 100 trong năm 2018.

Các mục tiêu tạo thuận lợi thương mại của Chính phủ trong năm 2018 theo “Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo”, đến thời điểm này vẫn gặp rất nhiều thách thức.

Điển hình như mục tiêu đến cuối năm 2018, thời gian thực hiện thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu là 70 giờ là khó khả thi khi thời gian thực hiện hiện nay đang là 105 giờ, tương tự thời gian làm thủ tục với hàng hóa nhập khẩu đang là 132 giờ, trong khi mục tiêu đến cuối năm 2018 là 90 giờ.

Hiện nay 19,4% các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan và rất khó để giảm xuống dưới 10% vào cuối năm nay.

Để tạo thuận lợi thương mại đi vào thực chất, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, cần tiếp tục giải quyết các vấn đề kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, phải xóa bỏ căn bản sự chồng chéo, một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều cơ quan.

Do vậy, các Bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện việc kết nối các thủ tục hành chính với cổng thông tin điện tử quốc gia, không để tình trạng vừa làm thủ tục điện tử vừa yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ giấy.

Bên cạnh đó, hiện thực hóa việc ứng dụng công nghệ trong thúc đẩy thuận lợi thương mại; tạo khung khổ pháp lý và cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung với tinh thần chia sẻ thông tin và cơ hội phát triển.

Bà Lê Nguyễn Việt Hà, Cục Giám sát quản lý, Tổng Cục Hải quan đề xuất, bên cạnh những nổ lực từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp nên chủ động tận dụng các điều kiện tạo thuận lợi thương mại thông qua việc nắm bắt và thực hiện đúng, đủ các chính sách quản lý với hàng hóa xuất nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần kịp thời phản ánh những khó khăn, bất cập trong thực hiện các thủ tục hành chính và tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước. Cơ chế đối thoại chính là giải pháp hiệu quả trong việc hài hòa các mục tiêu quản lý Nhà nước và tạo thuận lợi hóa thương mại cho doanh nghiệp./.

Xem thêm:

>>Khởi động quá trình phê chuẩn FTA Việt Nam-EU

>>Mercosur sẵn sàng khởi động đối thoại hướng tới đàm phán FTA với Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục