Thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ để duy trì lòng tin của doanh nghiệp

15:20' - 20/10/2016
BNEWS Việc nâng cao quyền sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới và kích thích quá trình sáng tạo của doanh nghiệp.

“Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” là nội dung Tọa đàm ngày 20/10 do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” do Đại sứ quán Anh tài trợ.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng trên thế giới; trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Đặc biệt, Việt Nam luôn coi trọng quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, bảo vệ quyền xâm phạm sở hữu trí tuệ. Điều này được thể hiện qua việc Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 Quốc gia) do Phó Thủ tướng thường trực đứng đầu.

Điều đó một lần nữa khẳng định, đây là một lĩnh vực được Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam cũng như nhân dân đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong thời gian qua, tình hình hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến hết sức tinh vi, phức tạp và mang cả yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần quá trình triển khai quyết liệt, làm rõ những thủ đoạn để rà soát, tổ chức tốt việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lâu, gian lận thương mại...

“Cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Các chuyên gia đề xuất giải pháp hợp tác trong việc thực thi chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ thêm về điều này, ông Lord Puttnam, Đặc phái viên Thương mại và văn hóa của Thủ tướng Anh cho biết, trong những năm qua Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu điều đó đòi hỏi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh để đón đầu cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kinh doanh minh bạch.

Việc nâng cao quyền sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới và kích thích quá trình sáng tạo của doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội đã hợp tác hiệu quả với Việt Nam thông qua các chương trình, nâng cao năng lực cho cán bộ Quản lý thị trường, Dự án "tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam".

Cũng theo ông Lord Puttnam, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng cho sự thành công của các doanh nghiệp tại Việt Nam vì nó gắn kết vào chuỗi giá trị toàn cầu và thu hút sự tham gia ngày càng tăng của các doanh nghiệp nước ngoài có các sản phẩm đổi mới.

Vì vậy, thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết để duy trì lòng tin của doanh nghiệp vào việc bảo vệ hợp lý cho đầu tư của mình.

Thống kê từ Cục Quản lý Thị trường cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2016, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra và phát hiện trên 29.400 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt 58 tỷ đồng.

Trong số đó, có trên 2.280 vụ giả về chất lượng công dụng; trên 1.530 vụ giả mạo về nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, bao bì; 316 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và 23.200 vụ vi phạm về tem nhãn, bao bì hàng hóa, nhãn dán hàng hóa...

Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho hay: Thời gian qua, việc phối hợp kiểm tra, bắt giữ xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa các lực lượng thực thi đã có chuyển biến tích cực và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo ông Trịnh Văn Ngọc, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc trao đổi thông tin chưa thường xuyên, còn thiếu tính kịp thời, đôi khi phối hợp trong kiểm tra, thanh tra còn chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch hành động.

Cùng đó là nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ chưa được nâng cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng thực thi còn hạn chế và cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ.

Chính vì vậy, tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã đề xuất việc phối hợp giữa các ngành nên tiến hành toàn diện trên các mặt như nghiên cứu, để xuất, sửa đổi hoàn thiện xây dựng chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm phù hợp với thực tế trong nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, trong đó cơ chế phối hợp phải được thiết lập đồng bộ ở cả trung ương và địa phương, theo cả chiều dọc và chiều ngang.

Đại diện các đơn vị thực thi cũng đề xuất việc thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở một số địa bàn, khu vực theo kế hoạch; kết hợp kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất cũng như kiểm tra các loại mặt hàng có những biểu hiện gây ảnh hưởng đến sự mất ổn định thị trường.

Tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chia sẻ các báo cáo hàng năm của lực lượng liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ. 

>> Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Cuộc chiến không của riêng ai

>> Nhà sáng chế Việt chưa quan tâm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục