Thương mại góp phần cải thiện sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế

12:01' - 14/12/2016
BNEWS Thương mại Việt Nam đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế trong nước và thế giới, góp phần cải thiện sức cạnh tranh cũng như tăng trưởng kinh tế.
Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025”. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Sáng 14/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và Đầu tư Châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025”.

Đây được xem như một diễn đàn đa chiều để các nhà khoa học, chuyên gia cùng các nhà quản lý trao đổi, chia sẻ các nghiên cứu về thực trạng và định hướng phát triển thương mại trong nước và quốc tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại khẳng định, trải qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại Việt Nam đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế trong nước và thế giới, góp phần cải thiện sức cạnh tranh cũng như tăng trưởng kinh tế.

Điều này thể hiện qua việc hoạt động xuất nhập khẩu không ngừng được mở rộng cả về thị trường và danh mục hàng hóa, dịch vụ với giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng nhanh, cơ cấu và chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được cải thiện theo hướng gia tăng các mặt hàng chế biến, giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, thương mại trong nước cũng chuyển biến mạnh mẽ theo cơ chế thị trường với tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội thường xuyên đạt ở mức 2 con số, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua các loại hình thức thương mại hiện đại tăng nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Nguyên Minh, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tăng trưởng xuất khẩu trong những năm qua chưa thực sự vững chắc.

Hầu hết chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu còn thấp, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dù đã chuyển dịch mạnh sang hàng chế biến, chế tạo nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, nhập siêu vẫn là nguy cơ, cơ cấu nhập khẩu cũng còn không ít bất cập.

Đồng thời, kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào tăng trưởng thương mại, khai thác tài nguyên, khoáng sản, xuất khẩu nông sản thô với hàm lượng chế biến thấp và gia công hàng hóa ở công đoạn thấp của chuỗi giá trị như dệt may, da giày, điện tử…

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) kiêm Giám đốc Dự án EU-MUTRAP nhấn mạnh, trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các nước và khối nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2025 Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, tham gia ngày càng nhiều vào các quá trình hợp tác khu vực và thế giới, đa phương, đa chiều, đa lĩnh vực; trong đó thương mại là một trong những lĩnh vực trọng tâm.

Giáo sư Phạm Tất Thắng, chuyên viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, bằng nhiều con đường, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu, hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực của quan hệ thị trường thế giới.

Dù vậy, trong quan hệ thương mại song phương và đa phương đòi hỏi Việt Nam cần phải hành động để tạo lập một thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh tuân thủ quan hệ thị trường hiện đại.

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải điều chỉnh lại tầm nhìn, tư duy kinh doanh và cách ứng xử của mình cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập sắp tới, ông Phạm Tất Thắng khuyến cáo các doanh nghiệp cần sớm bỏ tư duy manh mún, chộp giật để xây dựng một định hướng cho hoạt động kinh doanh trên thị trường khu vực và quốc tế, chấp nhận cạnh tranh quốc tế trên mọi phân khúc thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần trang bị thêm kiến thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiểu rõ các rào cản đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trên từng thị trường mà doanh nghiệp hướng tới.

Cũng theo ông Phạm Tất Thắng, doanh nghiệp nên thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác giữa doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước với cộng đồng người Việt tại nước ngoài và quan tâm hơn nữa tới nguồn nhân lực để nâng cao khả năng xử lý trong hoạt động kinh doanh quốc tế.

Tuy nhiên, ngoài những cố gắng từ phía doanh nghiệp, nhà nước cần cải cách thể chế kinh tế, tạo dựng môi trường kinh doanh phù hợp, lành mạnh.

Đây là biện pháp cơ bản để nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục