Tiêu dùng an toàn mùa dịch

07:42' - 01/09/2021
BNEWS Để mua sắm, giao dịch an toàn, nên lựa chọn website uy tín, chỉ cung cấp những thông tin cá nhân cần thiết, cài đặt ứng dụng phát hiện theo dõi, xóa thông tin và lịch sử duyệt web...

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm của người dân, nhất là tại các tỉnh thành, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các hoạt động mua sắm bên ngoài như tại chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tạp hóa... giảm khá nhiều, thay vào đó là những chi tiêu online có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề xoay quanh chất lượng hàng hóa và an toàn giao dịch khiến người tiêu dùng băn khoăn.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Trường, Giảng viên Khoa Marketing, Trường Đại học Thương Mại.

Phóng viên: Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát tại Việt Nam, nhu cầu mua hàng online của người dân tăng mạnh đòi hỏi doanh nghiệp cung ứng, phân phối cũng phải đẩy nhanh số hóa. Ông đánh giá thế nào về quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay?

Ông Vũ Xuân Trường: Không khó để thấy người tiêu dùng đang dần có xu hướng mặc định ăn và sống tại nhà, tăng cường tìm kiếm các sản phẩm online dẫn đến gia tăng mạnh mẽ hành vi mua sắm online. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp để thích nghi với xu hướng này.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020, rào cản lớn nhất cho chuyển đổi số tại các doanh nghiệp là chi phí ứng dụng công nghệ số rất cao. Có đến 55,6% các doanh nghiệp được khảo sát đều phản ánh về vấn đề này.

Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hiện còn chưa tiếp cận được với công nghệ của các doanh nghiệp tập đoàn cung cấp giải pháp công nghệ hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Nếu khoảng cách này được thu hẹp, câu chuyện chuyển đổi số sẽ được giải quyết tốt hơn.

Phóng viên: Có một thực tế là hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện không ít trên các “chợ online”. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp phải làm sao để tự bảo vệ quyền lợi cũng như sản phẩm hàng hóa của mình, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Trường: Chúng ta dễ dàng bắt gặp những livestream bán hàng trên mạng xã hội. Ở đó có đủ các loại sản phẩm từ quần áo, túi xách cho đến mỹ phẩm, sữa nhập ngoại… với những lời quảng cáo có đầy đủ hóa đơn, tem, mác…

Dù sản phẩm chính hãng được niêm yết giá lên đến tiền triệu nhưng chủ shop sẵn sàng sale “sốc”, “tri ân khách hàng” với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn đồng để “lấy tương tác”... Mức giá “bèo” như vậy cũng khiến nhiều người dùng đặt câu hỏi về chất lượng và nguồn gốc hàng hóa.

Thông qua các sàn thương mại điện tử, việc mua sắm ngày càng đơn giản, thuận tiện hơn. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của mảng này năm nay sẽ duy trì ở mức trên 30% và quy mô tại Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), điểm mấu chốt để ngăn chặn hàng giả, nhái, chống thất thu thuế là phải minh bạch được thông tin của sản phẩm, bao gồm như nhãn mác, xuất xứ, hóa đơn…

Do đó, một trong những điều trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử sắp tới phải sửa là phải quy định về nhãn hiệu, thông tin sản phẩm trong việc bán hàng thương mại điện tử. Đây là một trong phần trống mà ban soạn thảo sẽ tập trung nguồn lực để giải quyết nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử.

Về phía doanh nghiệp, không nên coi việc chống hàng giả chỉ là của các cơ quan thực thi pháp luật mà phải đặc biệt chú ý thực hiện việc bảo hộ thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ các sáng chế của mình.

Bởi khi có tranh chấp xảy ra, các doanh nghiệp có sản phẩm sở trí tuệ được bảo hộ sẽ có căn cứ pháp lý tốt hơn trong việc các cơ quan tài phán đưa ra phán quyết hợp pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

Còn với người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc đánh giá và lựa chọn sản phẩm.

Phóng viên: Vấn đề về an toàn, bảo mật thông tin cũng được người dân đặc biệt quan tâm khi mua sắm trực tuyến. Nhiều ý kiến lo ngại thương mại điện tử phát triển mạnh sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm công nghệ cao hoành hành. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Vũ Xuân Trường: Trước tiên, chúng ta cần hiểu tội phạm công nghệ cao sẽ làm gì và đe dọa tới an ninh, nền kinh tế thế nào?

Chúng thường chiếm dụng và sử dụng trái phép tài nguyên máy tính; phá hoại hệ thống máy tính bằng cách phát tán các mã độc, ăn cắp các thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của nạn nhân, lấy cắp các thông tin tình báo, bí mật quốc gia, mua bán trái phép vũ khí, ma túy…

Theo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT), hiện có đến 70% tội phạm công nghệ cao là người trẻ, chủ yếu từ 18-30 tuổi. Có nhiều người sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin rất thành thạo và chuyên nghiệp.

Do đó, các cơ quan chức năng cần phải liên tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tập trung trao đổi thông tin tội phạm, tranh thủ tài trợ các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại và đào tạo cán bộ trình độ cao...

Về phía người dùng, để mua sắm, giao dịch an toàn, nên lựa chọn website uy tín, chỉ cung cấp những thông tin cá nhân cần thiết, cài đặt ứng dụng phát hiện theo dõi, xóa thông tin và lịch sử duyệt web, hạn chế sử dụng wifi miễn phí và lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

>>>Thanh toán không tiền mặt: Vẫn “ngóng” Mobile Money

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục