Tin thêm về vụ lừa đảo người lớn tuổi chuyển tiền qua ngân hàng

18:41' - 23/11/2017
BNEWS Đến thời điểm hiện tại, bà B, người bị lừa chuyển tiền qua ngân hàng, vẫn chưa nhận được phản hồi từ BIDV. Bà B cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với ngân hàng để truy xuất tài khoản lừa đảo này.

Liên quan đến sự việc bà Đ.T.B (SN 1942, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị lừa chuyển tiền tới một tài khoản mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Bnews vừa nhận được thêm thông tin từ gia đình cho biết, gia đình bà B đã trình báo tới các cơ quan công an cũng như ngân hàng BIDV.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bà B vẫn chưa nhận được phản hồi từ ngân hàng. Bà B cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với ngân hàng để truy xuất tài khoản lừa đảo này.

Cụ thể, ngày 17/11, bà Đ.T.B nhận được cuộc điện thoại giới thiệu là cán bộ của cơ quan công an và đang thực hiện điều tra một vụ án nghiêm trọng. Tuy ngạc nhiên nhưng đến khi đối tượng đọc đầy đủ họ tên, số chứng minh thư nhân dân cùng số tài khoản ngân hàng thì bà B đã bị thuyết phục.

Nắm bắt tâm lý này, đối tượng yêu cầu bà giữ kín câu chuyện nếu không sẽ bị đe dọa đến tính mạng, đồng thời yêu cầu bà phải chuyển tiền từ sổ tiết kiệm của bà sang số tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để “kiểm tra tài sản, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho bà”.

Bà Đ.T.B đã chuyển 600 triệu đồng tới tài khoản đối tượng lừa đảo. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Ngay trong buổi trưa cùng ngày, bà B đã ra ngân hàng và chuyển 600 triệu đồng từ sổ tiết kiệm của mình sang tài khoản có tên Hoàng Anh Tuân, số 56510000128866 mở tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Sông Hàn.

Sau đó, bà B không thấy ai liên lạc lại nữa. Khi bà ra ngân hàng để hỏi thì được biết số tiền bà chuyển đã bị rút hết. Lúc này, bà mới biết là mình đã bị lừa và chia sẻ thông tin với người thân, cũng như trình báo cơ quan chức năng về sự việc.

Liên hệ tới ngân hàng, đại diện BIDV cho biết, ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và khách hàng để xử lý vụ việc. Tuy vậy, theo quy định, ngân hàng không được chủ động trích nợ tài khoản nhận tiền để thu lại tiền và không được phong tỏa khoản tiền gửi khi có dấu hiệu lừa đảo. Bên cạnh đó, BIDV cũng cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác tránh mắc bẫy những đối tượng lừa đảo như vậy.

Theo Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an Hà Nội), nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra từ hồi tháng 5/2013. Thủ đoạn các đối tượng này thường dùng là gọi điện qua Internet (qua các ứng dụng trên thiết bị di động như Viber, Skype...) tới các thuê bao của bị hại trong nước, thông báo nạn nhân đang nợ cước điện thoại hoặc số tài khoản ngân hàng của người này đang bị kẻ xấu chiếm đoạt dùng vào mục đích xấu như rửa tiền, buôn bán ma túy...

Tiếp theo, sau khi con mồi cắn câu, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản khác, sau đó chiếm đoạt số tiền này.

Đây không phải lần đầu BNews nhận được thông tin về sự việc lừa đảo như vậy. Năm 2015, chị B.M.P cũng đã phản ánh về việc bố chị nhận được cuộc gọi thông báo các con của ông nợ cước điện thoại và có liên quan đến hoạt động rửa tiền, yêu cầu ông phải chuyển gấp hàng trăm triệu đồng vào một tài khoản của ngân hàng BIDV.

Tại thời điểm đó, ông lo lắng chuyện này ảnh hưởng xấu tới các con nên đã giấu gia đình chuyển tiền theo hướng dẫn.

Làm gì để phòng tránh sập bẫy lừa đảo?

Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an Hà Nội) khuyến cáo:

1. Người dân cần hết sức cảnh giác khi có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện đến hỏi việc. Bởi cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại mà khi cần sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ (ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc).

2. Cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội. Mặt khác, cơ quan chức năng khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định hoặc lập biên bản. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng.

3. Nợ cước điện thoại là quan hệ dân sự nên cơ quan điều tra sẽ không giải quyết các vụ việc như vậy. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại.

4. Để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cần lưu ý không mua, bán, cho mượn giấy CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng… Trong trường hợp chuyển tiền cho tài khoản người khác nghi hoạt động lừa đảo thì người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn.

>>> Cảnh báo thủ đoạn giả danh người thân gọi điện thoại lừa đảo

>>> Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục