Toàn cảnh bức tranh kinh tế Nga 10 tháng sau xung đột Nga-Ukraine

05:30' - 03/01/2023
BNEWS Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra những hậu quả sâu rộng đối với hệ thống năng lượng toàn cầu, trong đó chính nước Nga cũng không phải ngoại lệ.

Đây là nhận định được đưa ra trong bài phân tích của Trung tâm Nghiên cứu An ninh (CSS) thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ (ETH Zürich).

Theo đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh phương Tây đối với Nga và việc Nga cung cấp khí đốt tự nhiên ít hơn cho châu Âu đã làm xáo trộn trạng thái cân bằng cung cầu trên thị trường năng lượng hóa thạch. Trong khi châu Âu có các lựa chọn thay thế nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, thì về phần mình, vị thế cường quốc xuất khẩu nguyên liệu thô toàn cầu của Nga đang bị đe dọa. 

Hiếm có quốc gia nào khác trên thế giới sở hữu nhiều nguồn nguyên liệu chiến lược dồi dào như Nga. Đất nước rộng lớn này nằm trong số những quốc gia đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá. Ngoài ra, Nga cũng có khả năng cung cấp các loại hàng hóa có nhu cầu cao khác như lúa mỳ, các sản phẩm sắt thép, kim loại, phân đạm và gỗ. 

Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch và các nhiên liệu khác cho đến nay vẫn là hàng hóa thương mại quan trọng nhất của Nga, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các khoản thuế thu được từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 1/3 tổng thu nhập quốc gia Nga. Do đó, lĩnh vực xuất khẩu nhiên liệu và hàng hóa là nguồn tài chính tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine

Trong bối cảnh đó, rõ ràng các lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và một loạt quốc gia khác nhằm vào Nga sẽ chỉ có hiệu lực nếu chúng bao gồm cả lĩnh vực hàng hóa. Ngày 8/3/2022, Mỹ quyết định ngừng nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá từ Nga. Cùng ngày, Anh và EU tiếp bước Mỹ tuyên bố ý định của họ từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của nước này. Lệnh cấm vận của EU đối với nhập khẩu than đá của Nga đã có hiệu lực từ tháng 8/2022. 

EU có kế hoạch dừng nhập khẩu dầu thô của Nga (dầu chưa qua chế biến) kể từ ngày 5/12/2022 và tất cả các sản phẩm dầu mỏ của Nga (các sản phẩm đã qua chế biến như xăng và dầu diesel) được vận chuyển bằng đường biển kể từ ngày 5/2/2023. 

Lệnh cấm vận của EU, ảnh hưởng đến khoảng 90% tổng lượng dầu vận chuyển của Nga, không bao gồm số dầu mà Nga vận chuyển qua đường ống Druzhba qua nhánh phía Bắc đi qua Belarus để đến Ba Lan và Đức, và nhánh phía Nam băng qua Ukraine để đến Slovakia, cộng hòa Czech và Hungary. Trong vòng một năm, EU cũng dự định cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga và hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt vào "xứ Bạch dương" vào cuối thập kỷ này. 

Một yếu tố khác có thể gây hậu quả nghiêm trọng không kém đối với kinh tế Nga là khả năng hơn 1000 doanh nghiệp nước ngoài có thể chấm dứt hoạt động của họ tại Nga do tham gia vào hoạt động "trừng phạt tự nguyện". Trong lĩnh vực năng lượng, khoảng hơn 40% tập đoàn quốc tế đã rút hoặc tạm ngừng hoạt động tại nước này, trong đó có các tập đoàn lớn như BP, Shell và Exxon Mobile. 

Thu nhập của Nga từ xuất khẩu nguyên liệu thô đã không giảm trong 9 tháng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Tuy nhiên trong trung và dài hạn, các biện trừng phạt và cô lập ngày càng cứng rắn từ các thị trường phương Tây đối với Nga có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành năng lượng của Nga và tương lai của nước này với tư cách là một cường quốc nguyên liệu hóa thạch. 

* Doanh thu cao kỷ lục 

Can thiệp vào thị trường năng lượng toàn cầu là một vấn đề nhạy cảm vì việc này có thể phá vỡ tính chất cân bằng mong manh giữa cung và cầu và khiến giá cả tăng lên. Rủi ro này chủ yếu tồn tại trong một thị trường dầu mỏ toàn cầu hóa mạnh mẽ. 

Do nhu cầu ngày càng tăng, giá cả trên thị trường dầu mỏ đã ở mức cao từ thời điểm trước khi cuộc xung đột. Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và việc các nước phương Tây công bố sẽ không nhập khẩu dầu của Nga đã làm dấy lên những hoài nghi khiến giá dầu tăng cao hơn nữa. Nếu một thùng dầu thô Brent được giao dịch ở mức khoảng 90 USD ngay trước khi cuộc xung đột bắt đầu, thì sau đó giá đã có thời điểm tăng vọt lên hơn 120 USD/thùng.

Do EU - nơi nhập khẩu khoảng 1/4 lượng dầu từ Nga và cho đến nay là khách hàng mua dầu thô quan trọng nhất của Nga - không áp đặt lệnh cấm vận ngay lập tức, nên Nga vẫn có thể kiếm được nhiều hơn đáng kể từ xuất khẩu do giá dầu tăng. Hơn nữa, các công ty năng lượng của Nga bắt đầu bán nhiều dầu hơn cho các quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Để giành được thị phần lớn một cách nhanh chóng, Nga đã cung cấp dầu cho các quốc gia này với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường toàn cầu – và Nga đã thành công. Tỷ lệ nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga tăng vọt từ chỉ 1% vào tháng 2/2022 lên 18% vào tháng 6/2022. Cũng trong tháng 6/2022, Trung Quốc đã nhập khẩu dầu từ Nga nhiều hơn 55% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ Nga. 

Nhìn chung, khối lượng xuất khẩu xăng dầu của Nga không giảm đáng kể vào cuối năm 2022. Thay vào đó, chỉ có sự thay đổi về mặt địa lý. 

Trong khi đó, không giống như thị trường dầu mỏ, thị trường khí đốt tự nhiên của Nga được khu vực hóa mạnh mẽ hơn, vì Nga vận chuyển phần lớn khí đốt của mình thông qua các đường ống dẫn đến châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thị trường khí đốt tự nhiên cũng bị gián đoạn. Xung đột nổ ra ở Ukraine trùng với thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng giá năng lượng ở châu Âu. Trước cuộc xung đột, giá khí đốt tự nhiên trên thị trường giao ngay ở châu Âu đã tăng gấp 6 lần. Vì khí đốt là nguồn nhiên liệu đầu vào quan trọng để tạo ra điện, điều này khiến giá điện cũng tăng mạnh tương tự. 

Việc giá năng lượng leo thang là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát ở châu Âu trở nên trầm trọng. Ngược lại, Nga, quốc gia cung cấp gần 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU vào giai đoạn trước xung đột, đã tận dụng bối cảnh giá cao này và kiếm được khoản lợi nhuận cao chưa từng có từ việc xuất khẩu khí đốt. 

Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom, để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, đã giảm dần việc cung cấp khí đốt tự nhiên tới châu Âu xuống còn khoảng 20% so với mức của năm trước. Trong khi các đường ống dẫn khí đốt đi qua Ba Lan (Yamal) và đến Đức (Dòng chảy phương Bắc 1 và 2) phải ngừng hoạt động hoặc bị hỏng, việc giao hàng (khí đốt) qua các đường ống ở Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ không bị hạn chế đáng kể. Bất chấp cuộc xung đột, hệ thống vận chuyển qua Ukraine hiện là hệ thống mà Gazprom vẫn cung cấp một lượng khí đốt đáng kể cho các khách hàng châu Âu. 

Nếu như một trong những mục tiêu mà các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm đến là ngăn chặn nguồn thu của Nga có được từ hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô, thì các biện pháp này cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả. Hiện tại, giá nguyên liệu hóa thạch ở mức cao trên thị trường thế giới và lựa chọn của Nga chuyển hướng một phần xuất khẩu dầu của mình sang Thổ Nhĩ Kỳ và châu Á đã bảo vệ các công ty Nga tránh khỏi sự sụt giảm về doanh thu. 

Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), trong 9 tháng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine, Nga kiếm được kỷ lục 230 tỷ euro (244 tỷ USD) từ việc bán dầu, khí đốt và than. Khoảng một nửa doanh thu xuất khẩu hàng hóa của Nga đến từ các nước EU. 

Vì Nga đã xây dựng cho mình một "tấm đệm tài chính" lớn từ trước, nhằm giảm nhẹ tác động của các biện pháp trừng phạt, nên Nga sẽ không cạn tiền sớm, ngay cả trong trường hợp doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa sẽ giảm trong tương lai. Đất nước này sẽ không phải đối mặt với tình trạng phá sản quốc gia, mặc dù Nga sẽ cảm thấy rất rõ các tác động của các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng trong trung và dài hạn. 

* Tương lai các đường ống dẫn khí đốt và khí đốt hóa lỏng 

Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn do sự gián đoạn trong việc cung cấp khí đốt của Nga, thì châu Âu nói chung vẫn ở vị thế tốt hơn để vượt qua sự mất mát nhiên liệu hóa thạch của Nga so với việc Nga có thể vượt qua sự cắt giảm năng lượng từ châu Âu và các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Nhờ có một loạt các nhà cung cấp thay thế (Na Uy và Algeria cũng như việc vận chuyển khí đốt hóa lỏng từ Qatar, Mỹ và Nigeria), châu Âu đã đa dạng hóa hơn nhiều về mặt nhập khẩu khí đốt so với việc chỉ phụ thuộc phần lớn vào Nga. 

Ngược lại, vào năm 2021, Trung Quốc chỉ hấp thụ hơn 3% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga. Khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc bắt nguồn từ các mỏ ở phía Đông Siberia và chuyển đến Trung Quốc thông qua một đường ống được khai trương vào năm 2019. Trong vài năm tới, EU có thể nhập khẩu được nhiều khí đốt hơn đáng kể nhờ việc tăng khả năng vận chuyển bằng đường ống từ các địa điểm thay thế như Azerbaijan và việc xây dựng các nhà ga khí đốt hóa lỏng mới. Hơn nữa, Đức và các quốc gia EU khác đã quyết định giảm mức tiêu thụ khí đốt trong thời gian này và các nước châu Âu có kế hoạch cung cấp nguồn tài chính lớn hơn cho các nguồn năng lượng tái tạo. 

Nga cũng đã mở rộng năng lực sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong những năm qua. Với thị phần xấp xỉ 10% lượng khí hóa lỏng giao dịch trên thị trường thế giới, Nga nằm trong số những nhà xuất khẩu chính mặt hàng này, cùng với Mỹ, Qatar và Australia. Nga một mặt cắt giảm mạnh sản lượng khí đốt cung cấp cho thị trường châu Âu thông qua các đường ống dẫn khí đốt hiện có, mặt khác lại tăng thêm 50% sản lượng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng của mình sang thị trường EU. 

Hiện tại, Nga sản xuất khoảng 15% sản lượng khí hóa lỏng cung cấp cho châu Âu. Trong khi EU đã thành công trong việc bù đắp tổn thất khí đốt trong đường ống dẫn của Nga bằng việc sử dụng các nhà nhập khẩu thay thế, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, thì sự gia tăng mạnh mẽ nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của Nga hoàn toàn trái ngược với ý định giảm cung cấp năng lượng của Nga đã được khối này công bố. 

Nếu các biện pháp trừng phạt của EU có hiệu lực đối với nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga thì nước này chắc chắn vẫn có thể bán sản phẩm này của mình ở châu Á mà không gặp trở ngại gì. Hiện nay, khoảng 10% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga được vận chuyển đến châu Á-Thái Bình Dương dưới dạng hóa lỏng. 

Tuy nhiên, việc rút lui của các công ty phương Tây từng đóng vai trò là nhà cung cấp chính các công nghệ khoan, công nghệ hóa lỏng cũng như phần mềm là tổn thất không dễ bù đắp, đặc biệt trong lĩnh vực khí hóa lỏng. Bản thân Nga không có khả năng thay thế hoàn toàn các công nghệ này. Trong bối cảnh đó, công ty năng lượng tư nhân Novatek của Nga, nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ hai sau Gazprom và là nhà sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên ở Nga, đã thông báo kế hoạch trì hoãn hoạt động sản xuất Arctic LNG 2 - một dự án khí hóa lỏng lớn trên bán đảo Yamal - thêm 1 năm kể từ đầu năm 2023. 

Các công ty phương Tây tham gia vào dự án, trong số đó có Total (Pháp), Linde và Siemens (Đức) và Mitsui (Nhật Bản), cung cấp cả chuyên môn kỹ thuật, dịch vụ và nguồn tài chính, đã quyết định ngừng hợp tác. Ngoài ra, công ty Daewoo Heavy, có trụ sở tại Hàn Quốc, cũng rút lại đơn đặt hàng đóng 15 tàu chở LNG. 

Do những yếu tố hạn chế sự phát triển của sản xuất LNG, Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu phần lớn khí đốt của mình bằng đường ống. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), phải mất 10 năm nữa các đường ống dẫn khí mới có đủ công suất xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước châu Á khác với khối lượng tương đương với lượng xuất khẩu sang EU vào năm 2021 (155 tỷ m3). 

Tuy nhiên, thực hiện điều này đòi hỏi Nga phải có khả năng tiếp cận vốn, công nghệ cần thiết và có khả năng duy trì sản lượng sản xuất khí tự nhiên ở mức cao. Tuy nhiên, từ tháng 1-10/2022, sản lượng LNG của Nga đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. 

* Sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ 

Châu Âu dường như cũng đang có lợi hơn về vấn đề dầu mỏ. Mặc dù Nga xuất khẩu phần lớn dầu mỏ bằng đường biển, cho phép nước này phản ứng linh hoạt hơn trước những thay đổi của môi trường kinh tế toàn cầu, nhưng các công ty Nga lại phụ thuộc rất nhiều vào tàu chở dầu của các công ty phương Tây để vận chuyển hàng hóa của họ. 

EU và Vương quốc Anh đã quyết định rằng các tàu vận tải sẽ không còn được bảo hiểm nếu tham gia chở dầu của Nga. Mặt khác, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU đã đồng ý về một hệ thống kiểm soát giá nhằm cấm chủ tàu chở dầu, công ty bảo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ hàng hải khác thuộc thẩm quyền của họ cung cấp dịch vụ cho ngành dầu mỏ của Nga, trừ khi dầu được bán với giá xác định trước. Mức trần hiện tại là 60 USD/thùng. 

Người ta có thể đặt giả định rằng các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhập khẩu nhiều dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga hơn trước, nhưng thực tế là sẽ rất khó để các nước ngoài phương Tây có thể bù đắp hoàn toàn lượng dầu mỏ Nga mất đi trên thị trường châu Âu. Do đó, trong tương lai, Nga có thể sẽ phải bán dầu của mình với giá thấp hơn. 

Ngoài ra, phần lớn dầu của Nga hiện nay có nguồn gốc từ các mỏ đã được sử dụng từ thời Liên Xô. Việc khai thác các mỏ này đã qua mức đỉnh từ lâu. Do đó, các tập đoàn năng lượng của Nga buộc phải khai thác các nguồn dự trữ đòi hỏi khắt khe hơn về mặt kỹ thuật, nằm ở các vùng Bắc Cực xa xôi và vùng biển ngoài khơi. 

Nga đã bắt đầu sản xuất một số công nghệ nhất định cho ngành năng lượng sau lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt vào năm 2014. Tuy nhiên trước khi bắt đầu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào tháng 2/2022, các sản phẩm nước ngoài vẫn chiếm 50-60% thiết bị được sử dụng cho các dự án khó, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. 

Do đó, không dễ để biết được rằng liệu các công ty Nga có khả năng quản lý, vận hành và nhập khẩu các công nghệ của phương Tây thông qua nước thứ ba hay không. Hơn nữa, phạm vi và mức giá mà các công ty ngoài phương Tây có thể thay thế một số công nghệ phương Tây cũng không chắc chắn. 

* Tương lai ngành công nghiệp hàng hóa hóa thạch của Nga 

Bất kể kết quả của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine như thế nào, hệ thống năng lượng toàn cầu sẽ có những thay đổi quan trọng và lâu dài. Nền kinh tế Nga tách rời khỏi các thị trường châu Âu truyền thống, chuyển hướng dòng năng lượng sang Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đi kèm với sự gia tăng tầm quan trọng của khí hóa lỏng trên toàn cầu, là 3 bước phát triển sẽ xác định vai trò và vị trí của nhiên liệu hóa thạch Nga trong tương lai. 

Thị trường dầu mỏ toàn cầu khả năng sẽ có sự thích ứng nhanh chóng, nhưng việc Nga chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ và châu Á chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn trên thị trường khí đốt, vốn vẫn đang bị khu vực hóa rất nặng. Nếu muốn tăng đáng kể việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc, Nga sẽ phải phát triển ồ ạt cơ sở hạ tầng giao thông hiện có ở khu vực Đông Siberia và Viễn Đông của mình – bao gồm việc kết nối các trung tâm sản xuất xa xôi ở Tây Siberia với hệ thống đường ống khí đốt Đông Siberia. Tuy nhiên, những khoản đầu tư khổng lồ đầu tư vào dự án này chỉ mang lại lợi nhuận nếu nhu cầu về năng lượng hóa thạch vẫn mạnh trong vòng 20 đến 30 năm tới. 

Đây chính xác là yếu tố không chắc chắn lớn nhất đối với nước Nga hiện nay. Một mặt, xuất phát từ những toan tính địa chính trị, các nước châu Âu đang cố gắng đa dạng hóa việc nhập khẩu năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Mặt khác, những thay đổi trên thị trường năng lượng toàn cầu diễn ra vào thời điểm nhiều quốc gia đang đặt ra các mục tiêu khử phát thải carbon dài hạn cho nền kinh tế của họ nhằm đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu. 

Vì vậy, Anh, Mỹ và EU muốn ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát điện chậm nhất vào năm 2040. Đồng thời, họ đang thúc đẩy việc mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo. Trong nửa đầu năm 2022, Đức đã sản xuất gần 50% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng gió, khí sinh học, quang điện, thủy điện và các nguồn khác). Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch giảm trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến giá thị trường toàn cầu và gây ra sự không chắc chắn về khả năng tồn tại lâu dài của các khoản đầu tư mới vào các dự án dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. 

Ngành năng lượng của Nga chưa được chuẩn bị đễ sẵn sàng đối mặt với kịch bản này. Mặc dù Nga cũng có những hàng hóa khác đang có nhu cầu cao trên thị trường thế giới, nhưng năng lượng và nhiên liệu hóa thạch vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần xuất khẩu của nước này. Nga cũng đã chú trọng hơn vào năng lượng tái tạo trong những năm qua. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Đánh giá thống kê năng lượng thế giới của Tập đoàn BP (BP Statistical Review of World Energy), dạng năng lượng này mới chỉ chiếm khoảng 0,1% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp vào năm 2020. 

Liên quan đến nguyên liệu sản xuất điện, tỷ trọng của khí đốt tự nhiên và than đá đã sụt giảm trong những năm gần đây. Trong lĩnh vực này, Nga chủ yếu sử dụng thủy điện và năng lượng hạt nhân, mỗi loại chiếm khoảng 20% sản lượng điện của Nga. Năng lượng tái tạo (đặc biệt là từ gió và Mặt Trời) cũng vẫn ở mức cận biên với tỷ trọng xấp xỉ 0,3%. 

Nga sẽ có tiềm năng to lớn trong việc sản xuất năng lượng thay thế. Tuy nhiên, việc doanh số bán dầu khí trong vài năm qua đã tạo ra lợi nhuận đặc biệt cao khiến cho nhà nước Nga hiện nay ít quan tâm đến việc tài trợ cho lĩnh vực năng lượng phi hóa thạch. Trong 20 năm qua, nguồn tài nguyên hóa thạch dồi dào là một trong những trụ cột của hệ thống điện, dựa trên sự kiểm soát của nhà nước đối với các công ty năng lượng lớn. Và cũng chính mối liên hệ có vấn đề giữa năng lượng và quyền lực này đã tiếp tay cho các khuynh hướng độc đoán và cản trở cải cách kinh tế. 

Tuy nhiên, nếu vị thế cường quốc hàng hóa toàn cầu của Nga bị tổn hại lâu dài thì điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các chức năng của nền kinh tế quốc gia Nga và do đó gây ra hậu quả đối với hệ thống chính trị của đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục