Trách nhiệm của các cấp quyết định kết quả giải ngân vốn đầu tư công

08:41' - 01/10/2021
BNEWS Đơn vị nào có sự quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, giám sát thường có kết quả giải ngân cao hơn rất nhiều so với các đơn vị còn lại.

Nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp đóng vai trò quyết định đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Đơn vị nào có sự quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, giám sát thường có kết quả giải ngân cao hơn rất nhiều so với các đơn vị còn lại.

Đây là những trao đổi của ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) với phóng viên TTXVN xung quanh câu chuyện thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư trong những năm qua và giai đoạn 2021-2025 sắp tới trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp.

Phóng viên: Ngày 23/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Xin ông cho biết những kinh nghiệm rút ra từ việc xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho kế hoạch trung hạn sắp tới. 

Phó Vụ trưởng Lê Tuấn Anh: Trước hết, cần nắm rõ, tỷ trọng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong tổng chi ngân sách nhà nước được nâng dần từ khoảng 25% giai đoạn đầu lên khoảng 27% giai đoạn cuối, nguồn vốn này được tập trung cho các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của nền kinh tế, tạo động lực phát triển chung.
Theo Bộ Tài chính đánh giá, kết quả giải ngân vốn đầu tư công các năm thuộc giai đoạn 2016-2020 là tích cực, trung bình cả giai đoạn kết quả giải ngân hằng năm đạt khoảng 85% kế hoạch triển khai. Theo đó, năm 2019 thấp nhất đạt khoảng 76,7%, năm 2020 cơ bản hoàn thành kế hoạch với tỷ lệ giải ngân 97,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này đã đóng góp không nhỏ vào duy trì tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Từ kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, một số kinh nghiệm rút ra cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm và khả năng cân đối của ngân sách. Do là một khoản chi của ngân sách nhà nước nên chi đầu tư công phải đặt trong cân đối tổng thể ngân sách chung để đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, khâu chuẩn bị đầu tư phải được chú trọng bao gồm bố trí đủ vốn cho chuẩn bị dự án, thẩm định nguồn rõ ràng.
Ngoài ra, giai đoạn này thực hiện tuân thủ đúng nguyên tắc bố trí vốn cho các dự án trong kế hoạch trung hạn, kế hoạch hằng năm. Cụ thể, dự án đủ thủ tục mới xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư; sắp xếp và tuân thủ thứ tự ưu tiên bố trí vốn cho các dự án; trong đó, bố trí cho các dự án khởi công mới phải là sau cùng.
Cùng với đó là giao kế hoạch của các cấp cần sớm nhất có thể, đặc biệt là giao chi tiết số vốn trong năm cho từng dự án của các bộ, địa phương. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các chủ dự án có điều kiện về thời gian để thực hiện như đấu thầu, ký hợp đồng, thi công, giám sát, nghiệm thu, thanh toán…
Đặc biệt, nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp đóng vai trò quyết định đến kết quả giải ngân. Đơn vị nào có sự quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, giám sát thường có kết quả giải ngân cao hơn rất nhiều so với các đơn vị còn lại.
Đồng thời, cần tăng cường thường xuyên sự giám sát kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới và chủ động, linh hoạt với nhiều cách thức thực hiện như báo cáo giấy, giao ban trực tuyến…
Phóng viên: Trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính đã tham gia vào quá trình này như thế nào, thưa ông?
Phó Vụ trưởng Lê Tuấn Anh: Theo quy định của Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng tổng hợp kế hoạch đầu tư công của cả nước. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đã tích cực tham gia có chất lượng đối với kế hoạch đầu tư công.
Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và đưa ra khung tài chính ngân sách cho giai đoạn 2021-2025 phù hợp với khả năng cân đối ngân sách. Trên cơ sở đó khung tài chính ngân sách cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Chính phủ trình và Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 29/2021/QH15 với tổng mức vốn 2,87 triệu tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản 9301/BTC-ĐT ngày 11/8/2021 góp ý cụ thể về giao chi tiết các nội dung của kế hoạch trung hạn; trong đó đã nêu rõ những vấn đề còn tồn tại. Cụ thể, kế hoạch chưa đảm bảo đúng quy định về nguyên tắc thứ tự ưu tiên phân bổ vốn, còn tình trạng phân bổ dàn trải, không tập trung để hoàn thành các dự án trọng điểm, dự án lan tỏa vùng...
Phóng viên: Theo ông, Bộ Tài chính đã triển khai Công điện số 1082/CĐ-TTg của Chính phủ như thế nào trong việc chỉ đạo các đơn vị chức năng đảm bảo thực hiện giải ngân đầu tư công năm 2021?
Phó Vụ trưởng Lê Tuấn Anh: Công điện 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 gửi các bộ, địa phương yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp cần thiết đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu đạt 95% kế hoạch giao.
Theo đó, bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo, giám sát thực hiện kế hoạch đầu tư nội bộ ngành, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát, giải trình và hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định về quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công để thay thế cho hệ thống thông tư về thanh toán, quyết toán niên độ, quyết toán dự án hoàn thành tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong thực hiện. Nghị định sẽ được Chính phủ ban hành trong tháng 9 này.
Ngoài ra, Bộ thực hiện tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9917/BTC-ĐT ngày 27/8/2021 về tình hình thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, công khai toàn bộ tình hình thực hiện của 50 bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố.
Bộ Tài chính đã tham gia Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Tổ trưởng.
Đồng thời, Bộ tổng hợp kết quả giải ngân đến 30/9/2021 của các Bộ, địa phương làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với đơn vị không đảm bảo giải ngân được 60% kế hoạch theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Trong giai đoạn tới, trên cơ sở Nghị định thanh, quyết toán vốn đầu tư được Chính phủ ban hành, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, địa phương phổ biến, hướng dẫn triển khai theo quy định mới một cách hiệu quả nhất; đồng thời chỉ đạo cơ quan kho bạc rà soát ban hành quy trình kiểm soát, thanh toán theo cơ chế mới để áp dụng ngay.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Xem thêm:

>> Đưa nguồn vốn "mồi" vào nền kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục