Tranh chấp và trả đũa thương mại - con dao hai lưỡi

10:13' - 17/05/2018
BNEWS Các chuyên gia cho rằng cho rằng do những khác biệt quá lớn, quá trình thương thảo về tranh chấp thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gập ghềnh và kéo dài.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại và động thái áp các mức thuế mới đối với Trung Quốc và một số nền kinh tế đang là vấn đề thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Các chuyên gia nhận định những cuộc thương thảo với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc mới đây về mặt nào đó có thể “định dạng” lại mối quan hệ của Mỹ với hai đối tác thương mại lớn.

Song chính sách thương mại ngày càng quyết liệt của Tổng thống Donald Trump đang đặt Mỹ vào một nguy cơ đối đầu với các đối tác kinh tế lớn trên thế giới. Và nếu các tranh chấp tiếp tục leo thang thì sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại, làm tổn hại nền kinh tế Mỹ và tác động tới kinh tế toàn cầu.

Căng thẳng chưa hạ nhiệt

Hiện có lẽ căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ -hai nền kinh tế lớn nhất thế giới- đang là vấn đề đáng chú ý nhất. Trong nỗ lực tháo gỡ bất đồng về thương mại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tiến hành đàm phán trong hai ngày (từ 3-4/5) tại Bắc Kinh để tìm kiếm tiếng nói chung.

Song hai ngày đàm phán tại Bắc Kinh đã kết thúc mà hai bên vẫn chưa giải quyết được bất đồng thương mại chủ yếu. Tham gia các cuộc thương thuyết kéo dài hai ngày qua là phái đoàn thương mại cấp cao của Mỹ, do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu, và các quan chức hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Lưu Hạc.

Theo tài liệu đàm phán mà hãng tin Bloomberg trích dẫn, chính quyền Trump đòi phía Trung Quốc từ nay đến năm 2020 phải cắt giảm ít nhất 200 tỷ USD thâm hụt thương mại hàng năm giữa hai nước (thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là khoảng 375 tỷ USD trong năm 2017). Phái đoàn Mỹ còn đưa ra những điều kiện khác mà phía Trung Quốc rất khó chấp nhận.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (thứ 2 trái) và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (phải) tham dự buổi tham vấn thương mại với phái đoàn Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 4/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số nhà quan sát đưa ra nhận định rằng những yêu cầu của Mỹ và phản ứng của Trung Quốc đang vẽ nên một bức tranh kém sáng về mối quan hệ thương mại song phương trong ngắn hạn. Các chuyên gia cho rằng cho rằng do những khác biệt quá lớn, quá trình thương thảo sắp tới giữa hai nước sẽ gập ghềnh và kéo dài.

Những căng thẳng thương mại diễn ra liên tục đã bắt đầu làm tổn thương các doanh nghiệp Mỹ. Mới đây Trung Quốc đã ngừng tất cả các đơn đặt hàng đậu tương từ Mỹ, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông dân nước này. Hay mới đây nhất là việc giới chức Trung Quốc đang tăng cường kiểm tra thịt lợn được nhập khẩu từ Mỹ. Đây là sản phẩm mới nhất từ Mỹ phải trải qua quá trình thông quan chậm chạp và đắt đỏ tại các cảng Trung Quốc vào những tuần qua.

Trước đó, vào đầu tuần này, Cơ quan hải quan Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ kiểm tra các lô hàng táo và gỗ từ Mỹ sau khi phát hiện sâu bệnh trong các sản phẩm nhập khẩu tương tự tại các cảng Trung Quốc. Từ bây giờ tới cuối tháng Năm vẫn còn thời gian để Tổng thống Trump rút lại các khoản thuế ước lên tới 50 tỷ USD đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng với tình hình hiện tại, điều này ngày càng xa vời.

Trước đó, bất chấp sự phản đối của nhiều doanh nghiệp và nghị sĩ, Tổng thống Trump hồi tháng Ba đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu, trong đó có thép và nhôm nhập từ EU. Mức thuế trên lẽ ra đã được thực hiện từ ngày 1/5 vừa qua song Ông Trump đã quyết định gia hạn miễn trừ thuế tạm thời cho EU và năm đồng minh khác đến cuối tháng Năm nhằm đạt được những nhượng bộ thương mại từ phía EU.

Nhưng phía Mỹ đồng thời cũng nhấn mạnh rằng các đồng minh phải tiến hành áp đặt một hệ thống hạn ngạch mới để tránh thuế quan, theo đó hạn ngạch sẽ giới hạn tổng lượng hàng hóa mà một quốc gia có thể xuất sang Mỹ trong một năm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và chuyên gia thương mại cảnh báo rằng sử dụng hạn ngạch có thể là một lựa chọn còn tồi tệ hơn so với thuế quan.

Về cơ bản, hạn ngạch vẫn có những vấn đề về kinh tế gần giống như thuế quan. Hạn ngạch sẽ khiến nguồn cung hàng hóa từ nước ngoài giảm dẫn đến giá cả gia tăng, qua đó làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất và cả người tiêu dùng Mỹ. Ngoài vấn đề làm mất nguồn thu từ thuế cho nước Mỹ, hệ thống hạn ngạch còn có thể mở ra cánh cửa cho tham nhũng.

Một vấn đề khác với hạn ngạch là nó có khả năng phá vỡ các quy tắc thương mại quốc tế đặt ra bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hạn chế xuất khẩu tự nguyện (VER) là một vấn đề trong những năm 1980 và bị cấm tại Điều 11.1 (b) của Hiệp định về các biện pháp tự vệ của WTO.

Vì những lý do nêu trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hồi đầu tháng Năm nói rằng EU sẽ không chấp nhận rủi ro trong các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm đảm bảo có được quyết định miễn hoàn toàn việc áp thuế của Mỹ đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU.

Các bên đều thua thiệt

Như vậy, trong bất cứ trường hợp nào, Tổng thống Trump cũng đối mặt với nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mà các quốc gia sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa hạn chế thương mại với đối phương.

Các nhà kinh tế dự đoán các cuộc tranh chấp, trả đũa hay hạn chế thương mại sẽ sẽ ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế toàn cầu. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trước đó đã cảnh báo rằng đà tăng trưởng và phục hồi của kinh tế thế giới có thể sẽ bị tổn hại nếu các chính phủ sử dụng chính sách hạn chế thương mại, nhất là động thái trả đũa lẫn nhau mà có thể dẫn đến căng thẳng leo thang không thể kiểm soát được.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ nới rộng bất chấp căng thẳng song phương. Ảnh: Reuters

Trong dự báo đưa ra mới nhất, WTO cho rằng mặc dù những rủi ro đối với nền kinh tế dường như được kiểm soát ở mức ổn định hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, nhưng bất ổn lại đang có xu hướng gia tăng.

Một nghiên cứu mới đây của công ty tư vấn kinh tế và thương mại quốc tế Trade Partnerships Worldwide nhận định rằng ngành nông nghiệp Mỹ sẽ gánh chịu tổn thất trầm trọng, tương đương 6,7% thu nhập ròng của ngành và mất đi hơn 67.000 việc làm, do tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể xoa dịu căng thẳng thương mại leo thang với Trung Quốc, Mỹ sẽ để mất gần 134.000 việc làm và khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 2,9 tỷ USD mỗi năm.

Báo cáo nghiên cứu khác của một tờ báo nông nghiệp tại Washington đưa ra số liệu có phần tiêu cực hơn, với dự báo rằng nếu chiến tranh thương mại Trung - Mỹ nổ ra, nước Mỹ sẽ mất gần 455.000 việc làm và GDP hàng năm giảm nhiều tỷ USD trong một vài năm tới. Còn người nông dân Mỹ sẽ mất 15% tổng thu nhập từ nông trại và khoảng 181.000 người mất việc làm.

Bên cạnh đó, một khi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ tiếp tục gia tăng thì nước này vẫn phải nhập khẩu từ bên ngoài, và Trung Quốc hiện vẫn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Nguyên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke nhận định Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế kể từ khi Trung Quốc “mở cửa”.

Dòng hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước đạt khoảng 1,5 tỷ USD/ngày. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất ngoài Bắc Mỹ của Mỹ, với xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng nhanh gấp đôi tốc độ xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới. Ngược lại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, vượt xuất khẩu sang tất cả các nước Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.

Ông Gary Locke cho biết hơn 900.000 việc làm Mỹ phụ thuộc vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu sang Trung Quốc và hơn 2,6 triệu việc làm tại Mỹ và nhiều triệu việc làm hơn thế tại Trung Quốc phụ thuộc vào thương mại hai chiều giữa hai nước. Ông Locke nhận định các bên cần phải tránh một cuộc chiến thương mại.

Trước đó, nhà kinh tế cấp cao Wei Li của ngân hàng Standard & Chartered chi nhánh Thượng Hải đưa ra ước tính rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến kinh tế Trung Quốc thiệt hại từ 1,3% đến 3,2% GDP, với một kịch bản giả định khá cực đoan là Mỹ cấm tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn đối với Mỹ, khoản thiệt hai tương đương sẽ là 0,2-0,9% GDP.

>>>Doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng vào nỗ lực hòa giải của các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Trung​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục