Trung Quốc: Điểm yếu xuất phát từ bên trong nền kinh tế (Phần 1)

05:30' - 03/10/2018
BNEWS Kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu giảm tốc ngay từ trước khi tranh chấp thương mại với Washington leo thang, với tăng trưởng đầu tư thấp kỷ lục và tiêu dùng thận trọng hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức xuất phát từ những điểm yếu bên trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. 

Điều này thúc giục Bắc Kinh đẩy mạnh rót vốn vào cơ sở hạ tầng và đề xuất hỗ trợ các công ty nhỏ hơn nhằm ngăn chặn một sự suy giảm mạnh hơn, tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách nước này đã cảnh giác với việc gia tăng núi nợ công, vốn đã quá lớn do các chương trình kích thích kinh tế trước đây.

Tăng trưởng từ “tốc độ nhanh” sang “chất lượng cao”

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo “sự dễ bị tổn thương” của kinh tế Trung Quốc khi nước này chuyển từ “tăng trưởng nhanh” sang “tăng trưởng có chất lượng”.

Trong 30 năm đầu cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ cao chủ yếu là do đầu tư của chính quyền, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Trung Quốc đã nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng nhờ tăng mạnh khoản chi vào lĩnh vực xây dựng, coi đây là biện pháp kích thích kinh tế nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao trung bình 6,5% 

Chính sách này cùng những đòn bẩy tài chính khác như “mở van tín dụng” đối với doanh nghiệp nhà nước đã khiến nợ công của Trung Quốc tăng từ 100% GDP lên 260% GDP, mức tăng nhanh nhất ở bất kỳ nền kinh tế lớn nào và là một trong những gánh nặng lớn nhất trên thế giới.

Theo tờ China Daily, khối nợ của chính quyền địa phương của Trung Quốc trong tuần trước đã tăng thêm 378,9 tỷ NDT (55,27 tỷ USD), mức cao kỷ lục tính theo tuần.

Tổng số nợ của chính quyền địa phương hiện đứng ở mức 17.660 tỷ NDT (2.580 tỷ USD) tính đến cuối tháng 8, theo số liệu của Bộ Tài chính, tương đương khoảng 18% GDP của Trung Quốc trong năm 2017.

Giới quan sát nhận định việc lựa chọn rót tín dụng với lãi suất thấp hay cung cấp ưu đãi thuế cho những ngành dư thừa năng suất hay những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả gây ra sự lãng phí khủng khiếp cho ngân sách. 

Trong khi đó, theo ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), phần lớn số nợ doanh nghiệp thuộc về những công ty không được niêm yết trên sàn chứng khoán, đặc biệt là những công ty làm việc trong lĩnh vực nhà nước. Và đây là tác nhân gây lỗ và là “gánh nặng” của ngân hàng nhà nước.

Trước thực trạng này, chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực giải quyết tình trạng nợ gia tăng của khu vực kinh doanh và chính quyền địa phương bằng việc “giảm đòn bẩy” (tài chính), hay được hiểu là thắt chặt tín dụng. 

Biện pháp này chủ yếu tấn công vào hoạt động vay ngầm, bao gồm việc doanh nghiệp và chính quyền địa phương vay tiền từ các tổ chức tín dụng không chịu sự giám sát quản lý của chính phủ. 

Ngoài ra, giảm đòn bẩy còn nhằm đẩy lùi và giảm việc chính quyền địa phương phát hành trái phiếu vay nợ. Kết quả nghiên cứu gần đây chứng thực việc giảm đòn bẩy tài chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng là yếu tố làm gia tăng sức ép trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực khắc chế vấn đề nợ công và ô nhiễm môi trường. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang định hướng lại mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng, thay vì phụ thuộc quá lớn vào đầu tư và xuất khẩu. 

Khu vực dịch vụ hiện chiếm hơn một nửa nền kinh tế Trung Quốc, trong khi tốc độ tăng lương cao khiến người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu mạnh tay hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục