Trung Quốc thúc đẩy đồng NDT kỹ thuật số làm lung lay trụ cột USD của Mỹ

05:30' - 14/05/2021
BNEWS Các diễn biến mới cho thấy việc thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số quốc gia chủ chốt đầu tiên trên thế giới lại tiến thêm được một bước dài. Nhưng liệu rằng điều đó có làm lung lay vị trí của đồng USD?

Ant Group, công ty con thuộc tập đoàn Alibaba là một trong số những công ty tư nhân mới đây hưởng ứng việc thử nghiệm đồng nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương). Ứng dụng sử dụng đồng NDT kỹ thuật số đã cập nhật thêm MYBank, ngân hàng trực tuyến mà Ant Group nắm giữ 30% cổ phần.

Đây là ngân hàng thứ bảy của Trung Quốc tham gia thử nghiệm đồng NDT kỹ thuật số cùng với Ngân hàng Công nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Giao thông và Ngân hàng Tiết kiệm bưu điện. Cùng với đó, 6 ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc nêu trên đã thêm 3 ví phụ Ele.me, Hema Xiansheng và Tmall vào trong ví đồng NDT kỹ thuật số.

Các diễn biến mới này cho thấy việc thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số quốc gia chủ chốt đầu tiên trên thế giới lại tiến thêm được một bước dài. Nhưng liệu rằng điều đó có làm lung lay vị trí của đồng USD. 

Quốc tế hóa đồng NDT không phải là điều mới mẻ. Đến nay đồng nội tệ của Trung Quốc sơ bộ đã có một số đặc trưng của đồng tiền quốc tế, nhưng vẫn còn khoảng cách để trở thành đồng tiền dự trữ chủ yếu trên toàn cầu.

Đồng thời, địa vị quốc tế của đồng NDT cũng chưa tương xứng với vai trò nền kinh tế lớn thứ hai, quốc gia thương mại lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Do đó, trong vài năm trở lại đây, tầm quan trọng và tính cấp bách của việc thúc đẩy hơn nữa tiến trình quốc tế hóa đồng NDT ngày càng trở nên rõ nét. 

Trong một bài đăng trên tạp chí “Bình luận Tài chính Thanh Hoa” mới đây, Vụ trưởng Vụ Quốc tế thuộc PBoC Chu Tuấn cho rằng có 4 nhân tố thúc đẩy tính cấp thiết phải quốc tế hóa đồng NDT.

Thứ nhất, sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế Trung Quốc đã đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với việc quốc tế hóa đồng NDT.

Thứ hai, sự tách rời giữa Trung Quốc và Mỹ có xu hướng lan rộng sang lĩnh vực tài chính, buộc Trung Quốc phải quốc tế hóa đồng NDT.

Thứ ba, tiến trình quốc tế hóa đồng euro và đồng yen đã tăng tốc, đặt việc quốc tế hóa đồng NDT trước áp lực cạnh tranh “không tiến sẽ phải lùi”.

Thứ tư, thanh toán di động, tiền kỹ thuật số… phát triển mạnh mẽ, mọi tầng lớp xã hội đang thảo luận sôi nổi về câu hỏi: Liệu công nghệ tài chính (fintech) có thể thúc đẩy việc định hình lại hệ thống tiền tệ quốc tế hay không. 

Xem xét từ góc độ kinh tế quốc tế, ông Chu Tuấn cho rằng quốc tế hóa tiền tệ là do thị trường dẫn dắt. Để thúc đẩy hơn nữa quá trình quốc tế hóa đồng NDT cần phải tiếp tục tuân thủ sự dẫn dắt của thị trường, thuận theo nhu cầu của thị trường.

Nhưng muốn phát huy đầy đủ vai trò của thị trường, chính phủ phải tạo ra một môi trường và điều kiện tốt hơn. Những năm gần đây, lĩnh vực fintech phát triển nhanh chóng có thể tác động sâu sắc đến hệ thống tiền tệ quốc tế, cho nên, có thể tìm cách sử dụng fintech để giúp quốc tế hóa đồng NDT. Ví dụ như fintech có thể giúp mở rộng thí điểm đồng NDT kỹ thuật số.

Hiện nay, đồng NDT kỹ thuật số tập trung vào việc cải thiện hiệu quả của thanh toán giao dịch bán lẻ trong nước, chưa bố trí thực hiện nghiệp vụ thanh toán xuyên biên giới.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu các quốc gia phát hành tiền dự trữ khác tung ra các loại tiền kỹ thuật số để thanh toán xuyên biên giới, họ có thể tăng cường nhu cầu đối với các loại tiền dự trữ này, củng cố hoặc thậm chí tăng cường vị thế quốc tế của mình, làm ảnh hưởng tới tiến trình quốc tế hóa của đồng NDT.

Do đó, Trung Quốc nhận thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu và phát triển tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương.

Đối với Mỹ, một trong những trụ cột chính hình thành vị trí thống trị của nước này là đồng USD và hệ thống đồng USD. Nhưng khi tiền kỹ thuật số dần mang ý nghĩa vượt thời đại, Washington dường như vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức tới việc nghiên cứu, phát triển đồng USD kỹ thuật số.

Bằng chứng là khi bị giới truyền thông đặt câu hỏi về "đồng USD kỹ thuật số” vào ngày 23/2/2021, tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng đồng tiền này an toàn và tiện lợi, vì vậy "đáng để nghiên cứu".

Ngược lại, Trung Quốc lại tích cực mở rộng thử nghiệm đồng NDT kỹ thuật số. Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Trung Quốc có 2 điểm đề cập đến chiến lược này, bao gồm thúc đẩy ổn định việc nghiên cứu và phát triển tiền kỹ thuật số; tham gia tích cực vào việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật tiền tệ kỹ thuật số.

Tờ Wall Street Journal của Mỹ lưu ý rằng Trung Quốc đã dẫn đầu trong số các nền kinh tế chủ chốt trên phương diện xây dựng đồng tiền số quốc gia, đồng thời cho rằng một trụ cột quyền lực của Mỹ có thể bị lung lay.

Bản thân việc số hóa không làm cho đồng NDT trở thành đối thủ cạnh tranh của đồng USD trong chuyển khoản liên ngân hàng, nhưng đồng NDT kỹ thuật số có thể trở nên phổ biến bên ngoài hệ thống tài chính quốc tế.

Nếu khả năng này thành hiện thực, chỉ cần đồng NDT kỹ thuật số trở thành một lựa chọn chuyển tiền quốc tế của người dân ở các nước lạc hậu về kinh tế thì ngay cả khi chỉ được sử dụng hữu hạn trên thế giới, nó cũng có thể làm suy yếu tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đây là điều mà Washington nên suy tính vì nước này ngày càng áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục