Truyền thông về EVFTA với phòng vệ thương mại và xuất xứ hàng hóa

16:56' - 16/11/2021
BNEWS Sau 1 năm đi vào thực thi, nhiều thách thức mới đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ để có thể khai thác tốt các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Ngày 16/11, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp với Văn phòng Bộ Công Thương tổ chức buổi Tập huấn truyền thông về “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu COVID-19” và “Phòng vệ thương mại sau một năm EVFTA có hiệu lực” dành cho đối tượng phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông. Sự kiện nằm trong chuỗi Chương trình tập huấn về các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Với mong muốn cung cấp những kiến thức, thông tin bổ ích về các cơ hội mà EVFTA mang lại, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đã trình bày những nội dụng chính xoay quanh vấn đề xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.

Chiều cùng ngày, với chủ đề tập huấn là “Phòng vệ thương mại sau một năm EVFTA có hiệu lực”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại sẽ có phần trình bày và tham gia giải đáp thắc mắc các câu hỏi của phóng viên, báo chí.

Đánh giá của giới chuyên gia cho thấy, thời gian qua, phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như hiện nay. Vì thế, việc sử dụng và ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành.

Theo các chuyên gia Bộ Công Thương, sau một năm thực thi hiệp định này, mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và EU, thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi hiệp định chưa có hiệu lực.

Trong giai đoạn này, Việt Nam xuất siêu sang EU hơn 11 tỷ USD và rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... đã tận dụng ngay được các lợi thế của hiệp định này.

Tuy nhiên, sau một năm đi vào thực thi cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Sau một năm kể từ khi thực thi (1/8/2020 - 1/8/2021), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại hiệu quả rõ rệt đến nhiều ngành xuất nhập khẩu của cả hai khu vực.

Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục