Từ 15/5, TikTok sẽ bị kiểm tra toàn diện tại Việt Nam

14:28' - 05/05/2023
BNEWS Ngày 15/5, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok; xử lý nghiêm đối với những trường hợp không tuân thủ pháp luật của nền tảng này tại Việt Nam.

Sáng 5/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông trong tháng 4/2023 và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.

* Có 1,15 triệu thuê bao bị tạm dừng dịch vụ 2 chiều

Tại buổỉ họp báo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành việc xử lý tập thuê bao bị khoá 1 chiều; trong đó, có hơn 500 nghìn thuê bao đi chuẩn hoá lại và 1,15 triệu thuê bao bị tạm dừng dịch vụ 2 chiều theo quy định (đến ngày 15/5, các thuê bao không chuẩn hoá sau khi bị tạm dừng 2 chiều sẽ bị thu hồi).

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 24/4, đã có hơn 83 nghìn thuê bao thực hiện chuẩn hoá lại sau khi bị khoá 2 chiều, chiếm 7,2% tổng số thuê bao đã bị khoá 2 chiều.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video deepfake. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến

Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Nó có thể được sử dụng không chỉ để lừa đảo trực tuyến mà còn sử dụng cho các mục đích khác như tấn công chính trị, tạo ra những tin tức giả mạo hoặc phá hoại danh tiếng của người khác.

Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Đối với các cuộc gọi deepfake như hiện nay thì bằng mắt thường vẫn có thể có một số các dấu hiệu để nhận biết như thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây. Khuôn mặt của họ thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, hoặc tư thế của họ trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau… Ngoài ra, cũng có thể thấy màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí.

Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên.  Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video vì sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.

Có thể xảy ra tình huống mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi và thường kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu...Tóm lại, các yếu tố kỳ lạ như trên là báo hiệu đỏ của deepfake. Người dân nên luôn cảnh giác và tuyệt đối bình tĩnh.

Nhằm hạn chế tình trạng trên, cơ quan chức năng của, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục A05, Bộ Công an phát hiện và bắt giữ 2 vụ/2 BTS giả (tại Hưng Yên, Thái Nguyên) để phát tán tin nhắn lừa đảo; đã mở rộng điều tra bắt 01 vụ/01 BTS giả tại Bắc Giang (trong tháng 3/2023 phát hiện và bắt 8 vụ/9 BTS giả tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Nam.

*Từ 15/5, TikTok sẽ bị kiểm tra toàn diện tại Việt Nam

Liên quan đến kế hoạch thanh, kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục Trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để thực hiện kế hoạch trên, Bộ đã triển khai các bước kiểm tra theo quy định.

Theo ông Tự Do, đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn cho các bộ ngành liên quan cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, đến nay danh sách đoàn kiểm tra sắp hoàn thiện. Bộ cũng xây dựng đề cương nội dụng thực hiện kiểm tra TikTok.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh không đi đôi với trách nhiệm để giữ gìn, quản lý nền tảng lành mạnh, an toàn với người dùng.

Trước đây, nền tảng TikTok chủ yếu thuần túy giải trí nhưng từ năm 2022 trở lại đây bắt đầu nhiều nội dung chống phá đảng, nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng về chính trị, cùng với đó là các nội dung độc hại, ảnh hưởng đến trẻ em phát triển mạnh mẽ, tạo thành trào lưu.

Theo ông Tự Do, TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo…

Chỉ mới bùng nổ tại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, thế nhưng Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có đông người sử dụng TikTok nhất thế giới.

Số liệu của DataReportal cho thấy, tính đến tháng 2, hiện có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok tại Việt Nam. Cùng với Facebook, Zalo, YouTube, đây hiện là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.

Tuy vậy, thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc như phim ngắn phản văn hóa, dung tục, các thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan, nhiều nội dung cổ xúy hành vi phạm tội...

Trước thực trạng trên, ngày 15/5, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok.

Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm đối với những trường hợp không tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.

Trong tháng 4/2023, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông đạt 313.475 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với tháng trước (Tháng 3/2023: 295.370 tỷ đồng) và giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái (Tháng 4/2022: 317.470 tỷ đồng).

Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 4/2023 ước đạt 1.139.333 tỷ đồng; tỷ lệ doanh thu ước đạt 27% so với kế hoạch năm.

Thời gian tới Bộ tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin điện tử tổng hợp, báo hoá mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hoá báo chí. Triển khai xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Báo chí nhằm chuẩn bị cho công tác Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí. Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chống báo hóa trang Thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và quản lý quảng cáo xuyên biên giới giai đoạn II. /.

>>>Các nhà mạng cương quyết không lùi thời hạn chuẩn hóa thuê bao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục