Tuyên Quang duy trì các đường dây nóng kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp

11:28' - 19/07/2022
BNEWS Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Tuyên Quang sẽ duy trì các đường dây nóng để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực thực hiện giải pháp thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế -  xã hội, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

 

Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 10/1/2022, của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu về môi trường đầu tư của tỉnh.

Tỉnh tăng cường quản lý Nhà nước về đầu tư kinh doanh; đảm bảo môi trường an ninh, trật tự cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Cùng đó, tiếp tục tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp; duy trì các đường dây nóng để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Tỉnh Tuyên Quang cũng triển khai một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như miễn phí trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích đối với tất cả các thủ tục hành chính thực hiện tại cơ quan Nhà nước mà doanh nghiệp yêu cầu giải quyết; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp chuyển đổi số từ hộ kinh doanh 1 con dấu pháp nhân lần đầu và 1 chữ ký số sử dụng trong 3 năm đầu tiên không quá 4 triệu đồng/doanh nghiệp….

Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đất đai, mặt bằng, vốn; thực hiện các chương trình kết nối cung, cầu tiêu thụ sản phẩm.

Tuyên Quang phấn đấu năm 2022, có thêm từ 290 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên trên 2.300 doanh nghiệp. Đến năm 2025, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tuyên Quang nằm trong tốp 25 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án, với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.327 tỷ đồng, lũy kế tổng số dự án đăng ký trên địa bàn tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên 385 dự án với số vốn đăng ký trên 60.861 tỷ đồng.

Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Tuyên Quang xếp hạng thứ 29/63 tỉnh, thành phố; với 64,76 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2020, nằm trong top khá của cả nước./.

>>>Minh bạch hóa thông tin giúp cải thiện hình ảnh, uy tín doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục