Ứng dụng công nghệ vào giám sát khai thác hải sản, khắc phục "thẻ vàng" IUU

10:39' - 22/01/2021
BNEWS Là một trong 28 tỉnh có biển và hoạt động nghề cá, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện nghiêm túc Luật Thuỷ sản 2017 cùng 9 tiêu chí nghiêm ngặt khác do Uỷ ban châu Âu đề ra.

Bằng những nỗ lực này, cho đến nay tỉnh Ninh Thuận đã thu được kết quả như mong muốn.

Chỉ trong vòng 4 tháng kể từ khi Luật Thuỷ sản 2017 có hiệu lực, Ninh Thuận đã có 681 chiếc tàu có chiều dài từ 15m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Có thể nói, Ninh Thuận là địa phương có đội ngũ tàu thuyền khai thác xa bờ lớn trong các tỉnh ven biển nước ta. Với số lượng tàu thuyền này, việc khai thác thuỷ sản của tỉnh được nâng cao theo hàng năm.

Chi cục Thuỷ sản tỉnh Ninh Thuận thống kê, trong năm 2020, tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt 118.000 tấn, tăng 2,6% so với năm 2019.

Chi cục Thuỷ sản tỉnh Ninh Thuận nhìn nhận, sản lượng khai thác hải sản của đội ngũ tàu thuyền toàn tỉnh tăng và vẫn nằm trong quy định cho phép của Luật Thủy sản 2017, không có trường hợp tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, ngư dân thể hiện tinh thần hợp tác tốt trong việc mở thiết bị giám sát hành trình, khai báo ở từng địa điểm khai thác trên biển.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, hiện tỉnh có 7 công ty cung cấp, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu thuyền từ 15 mét trở lên, trong số đó, 2 công ty chiếm thị phần cao nhất là VNPT và Vietshippel.

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 45/CT-Ttg năm 2017 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Uỷ ban châu Âu về “chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện tuyên truyền, giải thích cho ngư dân tầm quan trọng của thiết bị giám sát hành trình.

Trong thời gian ngắn, ngư dân đều hiểu rõ thiết bị này giúp cho ngư dân tiêu thụ được hải sản sau khi khai thác hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các thiết bị này cũng là công cụ bảo vệ ngư dân khi khai thác đơn lẻ trên vùng biển quốc tế được đánh bắt chung.

Là một trong những ngư dân nhận thức rõ ý nghĩa của thiết bị giám sát hành trình và thực hiện lắp đặt ngay từ lần đầu tiên được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận tư vấn, ông Nguyễn Bá Công, ngụ tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam chia sẻ, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu dài hơn 15m vươn khơi là việc làm bảo vệ ngư dân trên biển.

Gia đình ông Công đã lắp đặt cho 2 chiếc tàu công suất hơn 700CV/chiếc. Quá trình giám sát được thực hiện theo 2 chiều bằng điện thoại thuyền trưởng và chủ tàu. Vì thế, khi chủ tàu liên lạc mà phát hiện mất kết nối, sẽ báo ngay với tổng đài để xử lý. Bằng cách này, quá trình khai thác được giám sát chặt chẽ hơn so với trước đây.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, mặc dù đội ngũ thuyền trưởng và ngư phủ tại Ninh Thuận đông nhưng trình độ văn hoá không đều. Có những lao động vừa tốt nghiệp phổ thông đã bám theo tàu khai thác hải sản, nhưng cũng có những lao động đã bám nghề cách đây 30 năm.

Vì vậy, những tiến bộ khoa học công nghệ trong nghề cá, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào giám sát quá trình khai thác hải sản, đáp ứng tiêu chí chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định của Uỷ ban châu Âu đã trở thành trở ngại khi ra khơi.

Từ khi thực hiện vận động, tuyên truyền ngư dân trang bị thiết bị giám sát hành trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cùng các doanh nghiệp cung cấp thiết bị đã tổ chức tập huấn, sử dụng các thiết bị cho ngư dân và thuyền trưởng sử dụng thành thạo như kết nối thiết bị phát sóng, mở tắt nguồn điện, kiểm tra thiết bị, cách xử lý tình huống mất kết nối, khai báo về tổng đài để xác định nguyên nhân mất kết nối…

Ông Trần Công Bình, ở phường Đông Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), chủ tàu cá công suất 800CV chia sẻ, nhờ được ngành chức năng tuyên truyền, tập huấn, nên hầu hết ngư dân, đặc biệt là những người tham gia khai thác xa bờ đều nắm rõ, tuân thủ các quy định của luật mới, như: ghi nhật ký khai thác để truy xuất nguồn gốc thủy sản, quản lý tàu cá theo hạn ngạch, sử dụng tốt các thiết bị giám sát hành trình để hoạt động tốt, quá trình khai báo nguyên liệu sau khi tàu cập cảng cũng diễn ra dễ dàng, suôn sẻ.

Bên cạnh đó, ngư dân cũng được phổ biến Quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá theo điều 44 Nghị định 26/2019/NG-CP ngày 08/03/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; trong đó, làm rõ việc chủ tàu phải lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá ở vị trí đảm bảo trạng thái hoạt động tốt nhất, có hướng dẫn lắp đặt thiết bị; có bảng hướng dẫn sử dụng (trên bảng có các thông tin tối thiểu: số điện thại hỗ trợ 24 giờ/24 giờ, địa chỉ liên hệ của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá).

Qua đó, thuyền trưởng có thể kiểm soát được trạng thái hoạt động của thiết bị trực tiếp hoặc qua các phụ kiện. Thiết bị giám sát hành trình phải được đơn vị cung cấp thiết bị kẹp chì cố định trên tàu khi lắp đặt mới hoặc sau khi sửa chữa, ông Bình chia sẻ thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục