Vấn đề Brexit: Những kịch bản đầy rủi ro (Phần 3)

05:30' - 04/07/2018
BNEWS Trong thời hậu Brexit, triển vọng của Anh không lạc quan, đối mặt với nhiều nhân tố khó đoán định thậm chí là tiêu cực.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: THX/TTXVN

Trước hết, Brexit là sự đơn phương tình nguyện của Anh, EU rất không hài lòng, do đó sẽ không cung cấp cho Anh các “món ăn ngon” trong các cuộc đàm phán. 

Từ một tập hợp các số liệu có thể thấy mối quan hệ hơn thiệt giữa Anh và EU: năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của 27 nước EU sang Anh chỉ chiếm 2,5% GDP của EU, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Anh sang EU chiếm 7,5% GDP của Anh. Rõ ràng, Anh lệ thuộc nhiều hơn vào EU và một khi nước này rời khỏi EU thì tổn thất sẽ là không nhỏ.

Thứ hai, Brexit đã gây ra nỗi hoảng sợ trong giới tài chính và kinh doanh ở châu Âu, “chạy trốn khỏi Anh” đã dần dần trở thành một trào lưu. 

Các quan chức EU đã có những động thái như chuyển các cơ quan lớn trong đó có trụ sợ chính của Cơ quan dược phẩm châu Âu và Cơ quan ngân hàng châu Âu sang lục địa châu Âu. Đồng thời, nhiều công ty của EU cũng đã bắt đầu giảm bớt hoạt động kinh doanh tại Anh.

Anh cho biết kể từ cuộc trưng cầu ý dân rời khỏi EU năm 2016 tới nay, đã có 11% doanh nghiệp của EU rút phần lớn nhân viên khỏi Anh, 14% các công ty EU cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Anh. Về lâu dài, Brexit chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến địa vị trung tâm tài chính quốc tế của Anh và cảng tránh gió của tài chính châu Âu.

Tiếp đó sau Brexit, nước Anh sẽ trở nên yếu hơn, và e rằng cuối cùng sẽ bị gạt ra bên lề làn sóng toàn cầu hóa. Sau khi rời khỏi gia đình EU, nước Anh có muốn khôi phục vị thế trong châu Âu cũng rất khó.

Xét về ảnh hưởng địa chính trị, sau khi rời khỏi EU, mặc dù Anh giành được quyền quản lý độc lập về mặt tư pháp, nhưng chắc chắn sẽ hạn chế sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Nếu EU có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng thì chắc chắn họ sẽ chèn ép hơn nữa sự hiện diện chính trị của Anh ở châu Âu.

Đánh giá từ sức ảnh hưởng kinh tế và khoa học công nghệ, ngành tài chính và thương mại đầu tư sau Brexit ít nhiều đều sẽ đối mặt với “khoảng trống thỏa thuận”. Nhiều thỏa thuận giữa Anh và EU cần được thẩm định lại, thỏa thuận của một số ngành có khả năng tạm thời xuất hiện khoảng trống, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc khơi sâu quan hệ song phương. 

Mặc dù logic của các cuộc đàm phán hiện giờ cho thấy nước Anh đang hướng tới một Brexit mềm, một kết cục như vậy chưa hẳn là đã chắc chắn hoàn toàn. Trong giai đoạn hai của cuộc đàm phán, thương mại tự do, hợp tác kinh tế và đầu tư tài chính đã trở thành nội dung chủ yếu của cuộc đọ sức giữa Anh và EU. 

Chính phủ Anh nhấn mạnh thỏa thuận thương mại tự do phải gồm có lĩnh vực dịch vụ tài chính, muốn giữ lại đặc quyền tham gia thị trường dịch vụ tài chính EU (tức là cơ quan tài chính chỉ cần xin giấy phép kinh doanh ở một nước thành viên EU thì có thể cung cấp dịch vụ cho tất cả khách hàng ở các nước thành viên EU).

EU cho biết sau khi Anh rời khỏi EU, việc Bắc Ireland ở lại liên minh hải quan cũng phù hợp với lợi ích của Anh, Bắc Ireland và EU. Nhưng cụ thể làm như thế nào mới có thể tránh được việc giữa Bắc Ireland và EU vừa không phải có “đường biên giới cứng”, vừa thể hiện quyền quản lý thuộc địa của hệ thống tư pháp Anh, là một câu hỏi hóc búa bởi vì một phần các hòn đảo giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland có thể sẽ bị tách biệt khỏi “đường biên giới thương mại”.

Chính phủ Anh hy vọng sau khi rời khỏi EU có thể tiếp tục được hưởng đặc quyền thương mại tự do tối đa hóa với EU, thậm chí ở lại trong liên minh hải quan, nếu không thể thì ít nhất cũng được hưởng các quyền hạn thương mại tự do tương đối lớn như Thụy Sỹ và Na Uy. 

Tuy nhiên, dự thảo nguyên tắc cơ bản đàm phán giai đoạn hai của EU cho thấy thỏa thuận thương mại tự do giữa Anh và EU sẽ là một “thỏa thuận thương mại tự do tiêu chuẩn”, các điều kiện tham khảo “Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện” giữa EU và Canada, mặc dù thỏa thuận này đã hủy bỏ hầu hết các dịch vụ và thuế thương mại hàng hóa, nhưng việc tiếp cận các tổ chức tài chính vẫn chịu sự giám sát quản lý của luật pháp EU.

Bên cạnh đó, một kịch bản có thể diễn ra là EU từ chối không cho Anh đặc quyền tiếp cận thị trường đơn lẻ mà EU muốn Anh phải đồng ý để dòng người trong khối EU tự do đi lại tìm việc làm, sinh sống tại Anh. 

Do vậy nhiều khả năng Anh sẽ phải áp dụng biện pháp giảm bớt nhập cư bằng biện pháp đã áp dụng với một số nước thành viên EU, đó là đăng ký người mới nhập cư, hạn chế những người này được hưởng các quyền phúc lợi xã hội, thậm chí loại trừ những người này được làm việc trong khối ngân sách nhà nước.

Điều này có thể sẽ làm hài lòng những cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, với thực tế là số người nhập cư đến từ các nước EU hiện đã giảm hơn 1/2 kể từ khi diễn ra trưng cầu dân ý ở Anh. Một số cử tri khác có thể bị mua chuộc nếu như bà May thực hiện những lời hứa hẹn Brexit khác, như cấp thêm tiền từ ngân sách cho lĩnh vực dịch vụ y tế công của Anh.

Rủi ro to lớn nhất đối với bà May chính là từ những người thuộc phe hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ của bà. Nếu như Thủ tướng hướng tới Brexit mềm, những nghị sĩ trong đảng sẽ gây ra những thách thức về vai trò lãnh đạo của bà. Nhưng Thủ tướng có thể thắng trong cuộc đấu này do hầu như không có ai có thể thay thế được bà. Và nếu như bà May bị mất chức thì người kế nhiệm bà cũng sẽ vấp phải vấn đề Bắc Ireland như bà May hiện nay. 

Báo Economist cho rằng con đường đi đến Brexit mềm là con đường nhiều chông gai. Nhưng vấn đề đường biên giới Ireland buộc nước Anh phải đi theo hướng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục