“Vận rủi” có tiếp tục đeo bám Phố Wall trong 6 tháng cuối năm?

05:30' - 05/07/2022
BNEWS Các chuyên gia cho rằng “vận rủi” này vẫn chưa kết thúc và thị trường chứng khoán sẽ có thể tiếp tục chứng kiến nhiều biến động trong sáu tháng cuối năm.

Sáu tháng đầu năm 2022 đã trôi qua với một sự hỗn loạn và nhiều mất mát trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng “vận rủi” này  vẫn chưa kết thúc và thị trường chứng khoán sẽ có thể tiếp tục chứng kiến nhiều biến động trong sáu tháng cuối năm.

* “Thị trường có thể giảm thêm 10% từ ngưỡng hiện nay”

Đây không phải là điều quá khó hiểu, bởi trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970, chứng khoán Mỹ hiện phải đối mặt rất nhiều khó khăn, với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục, rủi ro suy thoái hiện hữu và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm do niềm tin tiêu dùng suy yếu.

Trong bối cảnh đó, giới đầu tư cũng đứng trước “hỗn hợp độc hại”, bao gồm tình trạng lạm phát đình trệ và giá trị tài sản lao dốc.

Scott Ladner, Giám đốc đầu tư hãng đầu tư Horizon Investments, nhận định: “Thị trường có thể giảm tiếp 10% từ ngưỡng hiện nay. Để thị trường nhanh chóng chạm đáy, các ngân hàng trung ương sẽ cần thay đổi chính sách. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ điều này sẽ sớm xảy ra trong vài tháng tới”.

Thật vậy, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thay vì lựa chọn giải pháp “xả tiền mặt” như họ đã làm trong các năm 2008 và 2020. Do đó, có thể thấy khá nhiều động lực thúc đẩy thị trường tăng giá mạnh mẽ hiện đã tạm ngưng.

Đối với chứng khoán Mỹ, năm nay có lẽ là một trong những năm tồi tệ nhất về mức sụt giảm tính theo ngày. Chỉ số S&P 500 đã giảm từ 2% trở lên trong tổng cộng 14 phiên.

Mặc dù vậy, Chỉ số Biến động Sàn giao dịch Quyền chọn Chicago (CBOE), thước đo nỗi sợ hãi trên thị trường, vẫn thấp hơn các mức đã được ghi nhận ở các thị trường giá xuống (còn gọi là thị trường gấu) trong quá khứ. Điều này cho thấy thị trường vẫn chưa có sự “rũ bỏ” cần thiết để châm ngòi cho một xu hướng đi lên bền vững.

Dựa trên lịch sử các thị trường giá xuống được ghi nhận trong quá khứ, chỉ số S&P 500 sẽ ghi nhận một vài dấu hiệu phục hồi vào giai đoạn cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong giai đoạn suy thoái, thị trường sẽ tiếp tục giảm xuống các mức thấp mới trước khi thật sự “quay đầu”.

Chuyên gia Michael J. Wilson tại ngân hàng Morgan Stanley cho biết, chỉ số S&P 500 cần giảm thêm 15-20%, xuống khoảng 3.000 điểm, để thị trường phản ánh đầy đủ quy mô đang thu hẹp lại của nền kinh tế.

Trong khi đó đối với Peter Garnry, người đứng đầu mảng chiến lược vốn chủ sở hữu tại ngân hàng Saxo Bank A/S, chỉ số S&P 500 sẽ chạm đáy ở mức thấp hơn khoảng 35% so với mức cao kỷ lục được ghi nhận hồi tháng 1/2022. Điều này có nghĩa là thị trường sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 17% từ mức hiện nay.

Mặc dù vậy, các chuyên gia đều có chung một quan điểm rằng Phố Wall sẽ chứng kiến nửa cuối năm với triển vọng sáng hơn, mặc dù mức tăng có thể không đủ lớn để bù đắp tất cả sự sụt giảm cho đến nay.

Tại châu Âu, các chiến lược gia tham gia một cuộc khảo sát bày tỏ kỳ vọng chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu sẽ giảm 4% trong năm nay, so với mức giảm lên đến 17% của hiện tại.

* Bối cảnh kinh tế vĩ mô là chìa khóa

Bất chấp bối cảnh triển vọng ảm đạm trên thị trường chứng khoán, các dự báo về lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tương đối lạc quan. Điều này sẽ một lần nữa được chứng minh khi các công ty Mỹ và châu Âu bắt đầu công bố báo cáo thu nhập quý II/2022 sau hai tuần nữa.

Trong khi đó, mặc dù nhu cầu cho đến nay vẫn được duy trì ngay cả khi tâm lý tiêu dùng trở nên tồi tệ, nhưng gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy hoạt động chi tiêu của Mỹ đang hạ nhiệt.

Anneka Treon, Giám đốc điều hành tại ngân hàng Van Lanschot Kempen (Hà Lan), cho biết: “Chi tiêu đã được duy trì với sự hỗ trợ của các khoản tiền tiết kiệm được tích lũy trong đại dịch”. Tuy nhiên, điều đó rõ ràng là không bền vững.

Đó có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến các chiến lược gia của tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho rằng tỷ suất lợi nhuận của các công ty Mỹ có thể sẽ giảm trong năm tới, bất kể nền kinh tế có rơi vào suy thoái hay không.

Trong khi những lo lắng về suy thoái đang gia tăng, thì vấn đề trọng tâm của nền kinh tế là lạm phát đang hoành hành. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi các ngân hàng trung ương thực hiện những bước đi mạnh mẽ hơn.

Mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy thời điểm lạm phát đỉnh đang cận kề, các ngân hàng trung ương vẫn quyết liệt thực hiện các chính sách “diều hâu” do họ từng bị cáo buộc đã đánh giá thấp mối đe dọa này hồi đầu năm.

Caroline Shaw, Giám đốc danh mục đầu tư tại Fidelity International, cho biết: “Lạm phát đang ở mức mà nhiều người chưa từng trải qua và các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất lên các mức chưa từng thấy kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

Trong bối cảnh đó, "những sai lầm về chính sách có thể xảy ra và những sai lầm này có thể gây ảnh hưởng lớn đến thị trường". Ở các thị trường mới nổi, các nhà đầu tư cho rằng Fed cần tiết chế hơn trong các quyết định nâng lãi suất để giảm bớt những lo ngại.

Xu hướng thắt chặt chính sách của các ngân hàng trung ương, kết hợp với triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm hơn, sẽ gây áp lực đặc biệt lên các thị trường định hướng xuất khẩu công nghệ cao như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Thị trường chứng khoán của hai nền kinh tế này đã ghi nhận một trong những mức giảm lớn nhất trong khu vực trong năm nay.

Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng Swissquote, lưu ý rằng yếu tố lạm phát sẽ chi phối quyết định liệu thị trường có quay về mức như trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn hay thế giới sẽ phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn trong nửa cuối năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục