Venezuela "ngột ngạt" vì khủng hoảng điện

06:30' - 04/06/2016
BNEWS Venezuela đang đứng giữa vòng xoáy khủng hoảng kinh tế và năng lượng, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn và tỷ lệ lạm phát leo thang.
Venezuela "ngột ngạt" vì khủng hoảng điện. Ảnh: wired.com

Nếu ai đó trên thế giới này có thói quen lãng phí điện và nghĩ rằng chỉ cần bỏ tiền ra là có điện để dùng thì họ nên suy nghĩ lại. Tình trạng khan hiếm điện bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau và điều này vẫn đang diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Venezuela.

Trước đây, thủy điện cung cấp tới 70% lượng điện của Venezuela và chủ yếu nguồn thủy điện của Venezuela được sản sinh từ đập Guri. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino gây hạn hán nghiêm trọng tại Venezuela kể từ năm 2010 đã làm lượng nước trong hồ chứa tại đập Guri liên tục xuống thấp, khiến quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất Nam Mỹ và lớn thứ 5 trên thế giới này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện nghiêm trọng.

Thậm chí, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), thủy điện chỉ đáp ứng chưa đến 25% nhu cầu năng lượng tại Venezuela trong năm 2014. Đầu tháng 4/2016, lượng nước đo được tại nơi từng là một trong những hồ chứa thủy điện lớn nhất thế giới này ở mức thấp kỷ lục 797 feet (1 feet = 0,3048 m).

Hệ lụy của chính sách trợ giá

Không giống như các quốc gia khác đang phụ thuộc vào nguồn thủy điện, Venezuela không có một kế hoạch dự phòng đầy đủ nhằm đối phó với tình trạng hạn hán. Điều đó không có nghĩa là nước này không đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện.

Dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez, Venezuela đã đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào việc sản xuất điện. Vấn đề là nhu cầu sử dụng của người dân tăng quá nhanh so với sức đầu tư.

Để duy trì được sử ủng hộ chính trị, ông Chavez đã mở rộng các chương trình trợ cấp xã hội, với nguồn tiền chủ yếu lấy từ nguồn thu dầu mỏ, giữa bối cảnh giá dầu thế giới ở mức cao. Chính phủ trợ giá cho các mặt hàng lương thực và dịch vụ y tế, giúp cải thiện chất lượng sống của người dân.

Đáng chú ý, chính phủ còn mạnh tay hơn trong việc trợ giá điện và nhiên liệu, đưa Venezuela trở thành nước có giá xăng rẻ nhất thế giới, còn lượng điện tiêu thụ thì cao hơn bất kỳ quốc gia láng giềng nào. Mức lương tối thiểu cũng được điều chỉnh tăng mạnh và nhiều người Venezuela đã thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Chính quyền thời ông Chavez đã thành công khi đưa tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo khổ từ 50% năm 1998 xuống 30% năm 2013. Cuộc sống của người dân được cải thiện đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ điện đi lên, bởi với sự hỗ trợ của chính phủ, nhiều hộ gia đình có khả năng sắm sửa các thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa, máy giặt…

Mặc dù vậy, Chính phủ quốc gia Nam Mỹ này lại không đầu tư đủ mạnh vào lĩnh vực năng lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày một gia tăng của người dân.

Sản xuất điện tại Venezuela không đáp ứng đủ nhu cầu. Ảnh: nationalreview.com

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, Venezuela cũng kém nhạy bén khi không đầu tư xứng đáng vào đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến khoảng cách giữa cung và cầu điện năng ngày càng nới rộng.

Chính quyền Venezuela đổ lỗi rằng việc khan hiếm điện nghiêm trọng hiện nay là do hạn hán gây ra bởi hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. Trong khi những người chỉ trích lại cho rằng tình trạng thiếu điện là do chính phủ quản lý kinh tế kém và vận hành mạng lưới điện không hiệu quả. Còn theo các chuyên gia, việc thiếu kế hoạch dự phòng và bảo dưỡng là những nguyên nhân ngoài lý do thời tiết.

Biện pháp chữa cháy

Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, hoạt động xuất khẩu “vàng đen” đóng góp tới 96% nguồn thu ngoại tệ của nước này. Chính bởi vậy nên nền kinh tế nước này đang bị chao đảo bởi đà “lao dốc” của giá dầu thô trong gần hai năm qua.

Theo ước tính, khi giá dầu giảm 1 USD/thùng, Venezuela thất thu khoảng 720 triệu USD/năm. Do vậy, nếu giá dầu chỉ cần giảm từ 100 USD/thùng xuống 50 USD/thùng thì Chính phủ Venezuela sẽ mất đi nguồn thu khoảng 36 tỷ USD.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, một loạt biện pháp tiết kiệm điện vừa được Chính phủ Venezuela đưa ra hồi cuối tháng Tư, bao gồm thay đổi múi giờ quốc gia; tăng thêm ngày nghỉ lễ cho người lao động theo kế hoạch có tên “60 ngày bảo tồn năng lượng”; thực hiện việc cắt điện 4 tiếng mỗi ngày trên khắp cả nước và kéo dài trong vòng 40 ngày.

Tổng thống Maduro còn công bố sắc lệnh buộc hàng triệu công chức ở nước này chỉ làm việc vào các ngày thứ Hai và thứ Ba hàng tuần, kéo dài trong ít nhất hai tuần để tiết kiệm điện.

Ngoài ra, Chính phủ Venezuela cho biết sẽ yêu cầu các trung tâm mua sắm, khách sạn và những đơn vị có mức tiêu thụ điện lớn phải sử dụng máy phát điện 9 giờ/ngày và ngành công nghiệp nặng cần cắt giảm tiêu thụ năng lượng khoảng 20%.

Không những thế, chính phủ cũng kêu gọi phụ nữ nước này ngừng sử dụng máy sấy tóc, phơi quần áo ngoài trời thay vì sử dụng máy sấy khô, tắt các thiết bị điện không cần thiết khi không sử dụng hoặc tăng nhiệt độ điều hòa, v.v...

Tình trạng thiếu điện và thiếu nước càng khiến đời sống của 30 triệu người dân Venezuela thêm phần khó khăn. Họ đã phải vật lộn với suy thoái kinh tế, lạm phát và tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa thiết yếu trong hơn một năm qua. Và như “giọt nước tràn ly”, sau khi việc cắt điện được áp dụng vào ngày 26/4, người dân khắp nơi trên cả nước đã xuống đường biểu tình...

Ngoài các biện pháp nhằm tiết kiệm điện do chính phủ đưa ra, một số chuyên gia cho rằng Venezuela phải giải quyết tận gốc vấn đề bằng cách đầu tư xây dựng và duy trì các nhà máy nhiệt điện thay vì phụ thuộc vào thủy điện như hiện nay. Đây được cho là hướng giải quyết lâu dài trước tình trạng Trái Đất đang nóng lên từng ngày do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục