Vì sao các ngân hàng trung ương “ngập ngừng” nâng lãi suất khi lạm phát tăng cao?

05:30' - 29/11/2021
BNEWS Một trong những câu hỏi khó trả lời nhất là tại sao lạm phát tăng nhanh trong thời gian gần đây, nhưng lãi suất dài hạn lại hầu như không “nhúc nhích”?

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua đã khiến kinh tế toàn cầu kiệt quệ. Các ngân hàng trung ương buộc phải tung ra hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lạm phát tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh đó, một trong những câu hỏi khó trả lời nhất là tại sao lạm phát tăng nhanh trong thời gian gần đây, nhưng lãi suất dài hạn lại hầu như không “nhúc nhích”?

Cho đến nay, các chuyên gia phân tích cho rằng nghịch lý này là một “triệu chứng” của đại dịch COVID-19, do nỗi sợ hãi về sự lây lan của virus SARS-CoV-2, các đợt mua tài sản khổng lồ của các ngân hàng trung ương, cũng như niềm tin rằng tình trạng lạm phát tăng đột biến hiện nay chỉ là tạm thời.

Đến nay, vẫn chưa có lời câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, có một luận điểm rõ ràng đó là thế giới đang rơi vào “bẫy” nợ. Trong bốn thập kỷ qua, tổng số nợ đã tăng gấp hơn ba lần, lên tương đương 350% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

* Kinh tế toàn cầu đang "ngập" trong nợ nần

Việc ngân hàng trung ương giảm lãi suất xuống các mức thấp gần đây đã khuyến khích dòng tiền dịch chuyển vào thị trường chứng khoán, trái phiếu và tài sản khác. Điều này đã đẩy quy mô thị trường toàn cầu từ mức tương đương với GDP toàn cầu lên cao gấp 4 lần chỉ số này.

Giờ đây, các diễn biến trên thị trường trái phiếu cho thấy dường như nền kinh tế đang ngập trong nợ nần và lạm phát đang rất nhạy cảm với các đợt tăng lãi suất, đến mức bất kỳ mức tăng đáng kể nào cũng có thể tạo ra sự không bền vững.

Bất chấp sự gia tăng của số ca nhiễm COVID-19, những giả định rằng vaccine và các phương pháp chữa trị mới sẽ biến đại dịch trở thành một phần bình thường của cuộc sống giống như dịch cúm đã giúp xoa dịu những quan ngại về triển vọng kinh tế yếu. Các dữ liệu toàn cầu cũng cho thấy người tiêu dùng mua sắm trở lại và tỷ lệ người đến nhà hàng đã về mức gần trước đại dịch.

Vào lúc đỉnh điểm cuộc khủng hoảng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã mua vào đến 41% trái phiếu kho bạc mới. Điều này được thực hiện trong giai đoạn lãi suất được đẩy xuống mức thấp. Tuy nhiên, ngay cả sau khi Fed và các ngân hàng trung ương khác bắt đầu báo hiệu kế hoạch giảm bớt các chính sách nới lỏng, lãi suất dài hạn vẫn ở gần mức thấp kỷ lục.

Mặt khác, các ngân hàng trung ương đang mua đủ loại trái phiếu kỳ hạn khác nhau, nhưng lãi suất hiện chỉ tăng đối với trái phiếu kỳ hạn ngắn. Lý giải về điều này, người ta cho rằng mức lạm phát đột biến hiện tại sẽ nhanh chóng qua đi, khi tình trạng thiếu cung do đại dịch giảm bớt hoặc thế giới đang bước vào kỷ nguyên như những năm 1970, với yếu tố lạm phát ăn sâu vào hệ thống vận hành và tâm lý của mọi người.

Dù vậy, có một sự thật không thể phủ nhận đó là lạm phát không phải là "nhất thời" như các ngân hàng trung ương đã nhấn mạnh. Sự chú ý đang tập trung vào lạm phát toàn phần (là thước đo tổng lạm phát trong một nền kinh tế, bao gồm các mặt hàng như lương thực và năng lượng), vốn đã đạt mức kỷ lục trong ba thập kỷ với hơn 6% ở Mỹ vào tháng trước.

Ngoài ra, lạm phát lõi ( không tính các yếu tố giá cả dễ biến động như thực phẩm và năng lượng, và đóng vai trò là một chỉ báo tốt hơn về xu hướng dài hạn) cũng tăng đột biến trên toàn thế giới và hiện ở mức trên 4% tại Mỹ.

Trong khi đó, tiền lương trả cho người lao động cũng phải đối mặt với áp lực tăng trong dài hạn. Ở Mỹ, hiện có trung bình 6 cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp, là mức cao nhất trong hai thập kỷ. Mặc dù hồi đầu năm nay đã có hy vọng rằng sự gia tăng năng suất có thể giúp hạn chế lạm phát trong thời gian dài, song điều này chưa phản ánh thực tế khi các cuộc khảo sát đều cho thấy những người làm việc tại nhà đang dành nhiều gian hơn để tạo ra cùng một mức sản lượng.

* Những tác động từ việc tăng lãi suất 

Thị trường trái phiếu toàn cầu đang bắt đầu được định giá với kỳ vọng rằng lạm phát và tăng trưởng cao sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất ngắn hạn, bắt đầu từ năm tới. Trên thực tế, lãi suất ngắn hạn tăng cao đang khiến các thị trường trái phiếu chính phủ thế giới hướng đến năm tồi tệ nhất kể từ năm 1949. Dù vậy, lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm hiện thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát ở mọi quốc gia phát triển.

Giới quan sát cho rằng lãi suất dài hạn sẽ không thể tăng cao hơn vì thế giới đang mắc nợ quá nhiều, bất chấp những diễn biến ngắn hạn của chỉ số lạm phát và tăng trưởng. Khi thị trường tài chính và tổng nợ tăng theo tỷ trọng GDP, mọi thứ sẽ trở nên dễ bị tổn thương. Giá tài sản và chi phí trả nợ ngày càng nhạy cảm với việc tăng lãi suất và hiện là mối đe dọa kép đối với kinh tế toàn cầu.

Trong các chu kỳ thắt chặt trước đây, các ngân hàng trung ương lớn thường tăng khoảng 400-700 điểm cơ bản lãi suất. Nhưng giờ đây, việc thắt chặt dù nhẹ hơn nhiều có thể sẽ đẩy nhiều quốc gia vào rắc rối kinh tế.

Số lượng các quốc gia có tổng số nợ lên tới hơn 300% GDP đã tăng trong hai thập kỷ qua, từ mức chỉ 6 quốc gia lên con số 12, trong đó có Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc tăng mạnh lãi suất cũng có thể làm giảm giá tài sản vốn đã tăng cao, dẫn đến tình trạng giảm phát trong nền kinh tế.

Những “lỗ hổng” này giải thích tại sao thị trường lại tập trung vào phân tích kịch bản “lỗi chính sách”, ở đó các ngân hàng trung ương buộc phải tăng mạnh lãi suất, gây khó khăn cho nền kinh tế và cuối cùng lại đẩy lãi suất xuống thấp.

Trên thực tế, thế giới đang mắc kẹt trong bẫy nợ. Điều này cho thấy mặc dù việc chậm trễ tăng lãi suất dài hạn là không thường xuyên xảy ra trong những bối cảnh tương tự, đây cũng có thể là yếu tố hoàn toàn hợp lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục