Vị thế của đồng USD qua cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

05:30' - 31/10/2019
BNEWS “Việc đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt đẹp”. Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá tích cực cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Washington, DC ngày 12/9/2019. Ảnh: THX/TTXVN 

Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ và Trung Quốc có thể ký kết một thỏa thuận nhằm chấm dứt các cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, ngay cả khi kịch bản này xảy ra, Washington vẫn dự định cấm các công ty Mỹ mua chứng khoán Trung Quốc. Theo các chuyên gia, bước đi này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

* Những tín hiệu tích cực

“Việc đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt đẹp”. Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá tích cực cuộc đàm phán với Trung Quốc và hứa rằng một thỏa thuận thương mại sẽ được “hoàn tất” vào giữa tháng 11 tới.

Theo ông, hai bên đã nhất trí về giai đoạn 1 của nội dung thỏa thuận. Bắc Kinh cam kết sẽ mua thêm nông sản Mỹ và không làm suy yếu đồng nhân dân tệ cũng như không tăng thuế nhập khẩu. Hai bên cũng đạt tiến bộ về vấn đề nan giải nhất đó là bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Về phần mình, Washington hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên mức 30% kể từ ngày 15/10.

Các thị trường coi đây là kết thúc thực sự của cuộc chiến thương mại khi cổ phiếu bắt đầu tăng giá. Dù vậy, như các nhà phân tích chỉ ra rằng ông Trump muốn có một chiến thắng áp đảo. Do đó, ông sẵn sàng giáng một đòn mới bằng cách chặn dòng vốn đầu tư từ Mỹ sang Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg trích dẫn các nguồn tin trong chính quyền Tổng thống cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc hạn chế mức độ “phủ sóng” của các công ty Mỹ tại thị trường Trung Quốc thông qua các quỹ hưu trí của chính phủ. Ngoài ra, đã có đề xuất huỷ niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng những biện pháp này có thể mang lại kết quả trong thời gian ngắn, song sau đó sẽ tạo ra “hiệu ứng boomerang” đối với Mỹ.

Theo họ, Tổng thống Trump đang mạo hiểm sử dụng đồng USD như một vũ khí, từ đó làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư và nhà giao dịch chứng khoán vào đồng tiền Mỹ.

* Những hiệu ứng nghịch đảo

Paola Subacci, Giáo sư kinh tế quốc tế tại Viện Chính sách toàn cầu thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế London, lưu ý các biện pháp mới nhằm chống lại Bắc Kinh có thể phá hủy thị trường chứng khoán Mỹ.

Bà nói: “Chắc là nhiều công ty nước ngoài sẽ từ bỏ hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường này nếu biết rằng họ có thể bị loại khỏi danh sách bất cứ lúc nào. Bao nhiêu người không cư trú tại Mỹ sẽ tỏ ý sẵn sàng gửi tài sản tài chính của mình vào một ngân hàng nếu có nguy cơ tài khoản của họ có thể bị 'đóng băng' sau bất kỳ cuộc giao tranh địa chính trị nào?”

Giáo sư Subacci chắc chắn rằng xu hướng cải cách tiền tệ toàn cầu có lợi cho đồng euro và đồng nhân dân tệ sẽ tăng cường trên thế giới.

Hệ thống thanh toán quốc tế mới sẽ định hướng vào các nước đang phát triển, chủ yếu là các nhà xuất khẩu dầu và nguyên liệu thô. Đồng thời, khả năng của Mỹ ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu sẽ giảm mạnh.

Hạn chế đầu tư vào các công ty Trung Quốc sẽ "đánh" vào Mỹ. Ông Michael Pettis, Giáo sư môn Tài chính tại Đại học Bắc Kinh, nhận xét trong cuộc phỏng vấn của CNBC: “Nếu Washington hạn chế dòng vốn của Mỹ vào Trung Quốc, mà điều đó rất khó thực hiện, thì những tác động của sự mất cân bằng thương mại sẽ là trái ngược với những gì họ muốn”.

Trung Quốc hầu như không bị thiệt hại do biện pháp này. Chính phủ Trung Quốc đang làm rất nhiều để các công ty lớn nhất ở lại trong nước.

Ví dụ, vào tháng Bảy vừa qua, Trung Quốc chính thức đưa vào hoạt động sàn giao dịch chứng khoán theo mô hình Nasdaq của Mỹ, dành cho các cổ phiếu công nghệ có tên Star Market.

Nói về đề xuất huỷ niêm yết các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ thì quyết định như vậy cũng có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng.

Theo một báo cáo tháng Tám của các nhà phân tích từ công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, hơn 200 công ty Trung Quốc, bao gồm cả những “gã khổng lồ” như Alibaba, đã huy động hàng chục tỷ USD trên thị trường vốn của Mỹ thông qua danh sách hoặc Biên lai ký gửi của nước này.

* Câu lạc bộ chống USD

Trên thực tế, cải cách tiền tệ toàn cầu đang diễn ra. Có tới 70% giao dịch trong thương mại thế giới vẫn được thực hiện bằng đồng USD, song vị thế của đồng tiền Mỹ đang suy yếu mỗi ngày.

Ngày càng có nhiều quốc gia chịu lệnh trừng phạt của Washington và mệt mỏi với chính sách gây hấn của Nhà Trắng đang từ bỏ đồng USD. Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng không có lý do gì để thanh toán bằng USD khi giao dịch dầu khí và một số hàng hóa khác.

Năm ngoái, trong hoạt động thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng ruble (rúp) và đồng lira lần lượt chiếm 21,1% và 22% tổng lượng giao dịch. Cùng với đó, có thêm 12,9% giao dịch được thanh toán bằng đồng euro.

Trong khi đó, tỷ lệ thanh toán bằng tiền tệ quốc gia trong thanh toán với Trung Quốc đạt 17% và đang tiếp tục tăng. Trong 5 năm tới, Moskva và Bắc Kinh sẽ tăng gấp đôi khối lượng thương mại - từ 100 tỷ USD đến 200 tỷ USD, vào năm 2024.

Trong năm 2015, Trung Quốc đã thanh toán dầu nhập khẩu của Gazprom Neft bằng đồng Nhân dân tệ. Vào tháng Tám năm nay, đến lượt Rosneft tuyên bố sẽ ngừng sử dụng đồng USD trong các hợp đồng xuất khẩu dầu.

Dự trữ bằng USD trong các ngân hàng trung ương của các quốc gia khác nhau đang giảm so với các đồng tiền khác. Cuối năm 2018, tỷ trọng dự trữ bằng đồng USD đã giảm xuống còn 61,7% - mức tối thiểu trong 20 năm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chỉ số này đã giảm đến 7 điểm phần trăm.

Theo ECB, đồng USD vẫn là đồng tiền tệ dự trữ của thế giới, nhưng vị thế của nó đang suy yếu. Hãng tin Bloomberg nhận định Nga đang cho toàn thế giới thấy rằng một quốc gia với nền kinh tế lớn và trữ lượng vàng lớn thứ năm trên thế giới có thể “thoát khỏi” hầu hết các tài sản được định giá bằng đồng USD mà vẫn "cảm thấy tuyệt vời"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục