Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong TPP

07:25' - 16/10/2015
BNEWS TS Nguyễn Đức Kiên: Việt Nam đã tham gia đàm phán Hiệp định TPP với tinh thần trách nhiệm cao và đã sớm xử lý được những vấn đề vướng mắc của đàm phán theo đúng mong muốn.

Tiếp nối những câu chuyện thời sự xoay quanh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dường (TPP), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có dịp trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội. Ảnh: TTXVN

PV: Thưa TS. Nguyễn Đức Kiên, ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của vòng đàm phán TPP mang tính đột phá tại Atlanta trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Đây là Hiệp định thương mại tự do có tầm cỡ nhất trên thế giới, được đàm phán trong thế kỷ thứ 21 và đặc biệt là nó được đàm phán ở một mức độ rất cao. Nếu chúng ta nhìn lại khoảng thời gian nửa cuối năm 2015 với những thông tin họp báo dày đặc của các Bộ trưởng thương mại 12 nước thành viên TPP thì chúng ta có thể thấy sự thể hiện trách nhiệm và tinh thần cố gắng của các thành viên. 

Qua kết quả đàm phán lần này, có thể khẳng định Việt Nam đã thể hiện được vị thế là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cả hợp tác kinh tế, xã hội và chính trị. Toàn bộ các vấn đề đàm phán của chúng ta liên quan với 11 nước thành viên còn lại đều dựa trên tinh thần trách nhiệm rất cao và chúng ta đã sớm xử lý được những vấn đề vướng mắc của đàm phán theo đúng mong muốn.

PV: Những công việc còn lại mà các thành viên TPP sẽ phải thực hiện để Hiệp định này sớm được chính thức ký kết là gì?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Đây là vòng đàm phán cấp Bộ trưởng tức là cấp Chính phủ. Sau đó theo hệ thống pháp luật của từng quốc gia, tất cả các nước tham gia đàm phán TPP đều phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật để trình ra Quốc hội phê chuẩn hoặc trình ra Tổng thống phê chuẩn. 

Việt Nam đã bắt đầu thực hiện những công việc này. Trong những ngày còn lại của kỳ họp Trung ương khóa 12, Ban cán sự Đảng, Chính phủ sẽ có một báo cáo chi tiết về nội dung và quá trình đàm phán TPP để trình ra hội nghị thuộc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 13 sắp tới. Tôi tin rằng, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, sớm nghiên cứu và sẽ sớm thông qua trong thời gian phù hợp.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

PV: Cụ thể sẽ là thời điểm nào thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Chúng tôi hy vọng TPP sẽ được thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 của nước ta, hoặc ngay trong những ngày họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14 của những tháng đầu năm 2016.

Tôi tin là Hiệp định TPP sẽ sớm được thông qua vì cơ bản những điều kiện và thách thức đặt ra cho chúng ta trong quá trình tham gia TPP đều đã được Việt Nam mà cụ thể là đoàn đàm phán có những thỏa thuận tương đối chặt chẽ với các đối tác.

PV: So với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại khác, TPP có những điểm khác biệt gì?

TS. Nguyễn Đức Kiên: TPP là Hiệp định rất lớn, bao gồm 30 chương cùng rất nhiều các điều khoản quy định. Trong khả năng của mình, tôi chỉ xin nêu lên ba vấn đề lớn nhất mà các chuyên gia trong lĩnh vực đàm phán kinh tế quốc tế đã nêu ra.

Thứ nhất, TPP xác định một vị thế mới, một phương thức mới và một hình thái kinh tế mới. Lần đầu tiên chúng ta thấy rằng trong một hiệp định đa quốc gia, vấn đề kinh tế số được đặt ra. Trước đây chúng ta quan điểm thời đại công nghiệp, kinh tế xanh, rồi điện tử hóa, cơ khí hóa là mấu chốt, nhưng bây giờ, TPP đã chính thức đưa vào khái niệm một nền kinh tế số. Nó đòi hỏi một bước đột phá trong phát triển khoa học công nghệ mà chúng ta đã nhận thức được. 

Thứ hai, chúng ta nhận thấy rằng Hiệp định đã dành hẳn một chương nói về doanh nghiệp nhà nước. Nội dung này đã góp phần củng cố lý luận của Đảng và hiến pháp là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Trong một khoảng thời gian dài trước đây, rất nhiều chuyên gia và các nhà phê bình kinh tế đều cho rằng chúng ta cần nhanh chóng xóa bỏ doanh nghiệp nhà nước, nhưng với Hiệp định TPP thì chúng ta thấy rằng cả 11 đối tác còn lại là những quốc gia có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và ở trình độ cao. Họ đều có doanh nghiệp nhà nước ở dưới hình thức này hay hình thức khác. 

Như vậy, chúng ta cần phải kiểm tra lại cả về mặt cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam, nâng cao hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa 9. 

Thứ ba, tất cả các nước tham gia TPP đều là thành viên của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), điều khoản này trong Hiệp định TPP sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam thực hiện việc mang lại những thuận lợi nhất cho người lao động. Theo cá nhân tôi, đây là ba điểm đột phá rất mới.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ mang những tiêu chuẩn

thuận lợi hơn cho người lao động Việt Nam. Ảnh : Danh Lam/TTXVN

PV: Theo đánh giá của ông, Hiệp định TPP sẽ mang lại những thay đổi như thế nào đối với kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Đức Kiên:  Đơn thuần về mặt kinh tế, chúng ta sẽ gặp thuận lợi khi mở ra được một thị trường với 800 triệu dân. Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều rào cản kỹ thuật và cả những rào cản về thuế gây hạn chế tiềm năng xuất khẩu. Khi TPP có hiệu lực, thị trường hàng hóa lưu chuyển nội khối sẽ được mở ra và hầu hết các dòng thuế hàng hóa công nghiệp đều được giảm về 0%. 

Hiện tại, xuất khẩu dệt may và da giày của chúng ta vào Mỹ hiện hơn 24 tỷ USD nếu thuế suất nhập khẩu được cắt giảm, doanh nghiệp của chúng ta sẽ được hưởng lợi. 

Về mặt thể chế thì rõ ràng TPP sẽ giúp chúng ta nhìn lại mình để đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước đây, chúng ta cứ băn khoăn là làm như thế có phù hợp với nền kinh tế thị trường hay không, thì đến bây giờ có rất nhiều chương của Hiệp định TPP đã quy định rõ ràng và tạo điều kiện cho chúng ta cải cách thể chế theo hướng minh bạch hóa. 

Đặc biệt là trong các chương của Hiệp định TPP có quy định rõ các nước thành viên tham gia thống nhất thành lập các cơ quan hỗ trợ cho các thành viên yếu, thành viên thuộc tốp sau của Hiệp định TPP, đảm bảo mọi thành viên đều hội nhập được và quan trọng nhất là hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước yếu hơn tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu mà các nước đang có thế mạnh trong đàm phán TPP. Đây là một điều kiện rất thuận lợi để chúng ta phát triển.

Tận dụng tốt các lợi thế cạnh tranh và tiêu chuẩn hõa sản xuất sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam

đối phó được với các thách thức mà TPP mang lại. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

PV: Vậy để có thể tận dụng tốt nhất những gì mà TPP sẽ mang lại, cũng như đối phó với các thách thức đặt ra, ngay lúc này đây chúng ta cần phải làm gì thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên:  Chúng ta phải chủ động cung cấp thông tin, phân tích những mặt lợi, mặt hại và hạn chế những tác động xấu của Hiệp định TPP đối với nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là cần phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp và trong nhóm những đối tượng dễ bị tác động như: người lao động, nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta phải đổi mới, để đáp ứng được yêu cầu đó. Từ Hội Nông dân cho đến các tổ chức Đảng, chính quyền, liên minh hợp tác xã cần đổi mới phương thức hoạt động để làm sao hình thành được một phương thức sản xuất lớn, phương thức sản xuất công nghiệp trong nông dân. 

Một điều quan trọng nữa, chúng ta cần tránh để cho một số người không hiểu rõ lắm về  Hiệp định TPP hoặc hiểu ở một góc nhìn hẹp hay chỉ nhìn thấy những hạn chế của TPP sau đó mang những suy nghĩ tiêu cực này tuyên truyền ra công chúng, tạo nên một sự không đồng thuận trong xã hội.

PV: Xin cám ơn ông!

Diệu Linh (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục