VNREA quy tụ nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia

20:06' - 10/10/2016
BNEWS Ngày 10/10, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) họp báo công bố Đại hội Hiệp hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2016 – 2021 sẽ diễn ra vào ngày 15/10 tới.
Đại hội lần thứ IV Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 15/10. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch VNREA cho biết, nhiệm kỳ III, Hiệp hội đã phát triển được hệ thống rộng khắp cả nước với hơn 3.200 hội viên là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bất động sản; xây dựng được nhiều hiệp hội, chi hội, Câu lạc bộ thành viên và các tổ chức trực thuộc nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội.

Công tác phản biện xã hội được Hiệp hội coi là một công tác trọng tâm tạo ra nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp bất động sản phát triển. Trong giai đoạn vừa qua, Hiệp hội đã tham mưu với Bộ Xây dựng và các Bộ ngành trong việc hoàn thiện sửa đổi, bổ xung Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và các văn bản dưới luật như các nghị định, thông tư… liên quan đến thị trường.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã tổ chức và đồng tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo để góp phần làm rõ chính sách cho thị trường bất động sản, kiến nghị các vướng mắc của thị trường đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Nhiệm kỳ tới, VNREA dự kiến có 91 thành viên trong Ban chấp hành; trong đó, có 33 thường vụ, 1 chủ tịch và 9 phó chủ tịch. Dự kiến, có 800 đại biểu và 30 tổ chức quốc tế tham dự Đại hội. Trong số 5 báo cáo tham luận sẽ có sự tham gia của một doanh nghiệp lớn đến từ Nhật Bản thể hiện góc nhìn đối với hoạt động đầu tư bất động sản vào Việt Nam.

Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam chia sẻ, từ nhiệm kỳ III, VNREA đã bắt đầu sửa điều lệ, duy trì nhiệm kỳ 5 năm. Giai đoạn này cũng chính thời điểm khủng hoảng toàn diện, cả nền kinh tế bị suy giảm và chịu ảnh hưởng sâu. Thị trường bất động sản lúc đó không biết là “ngòi nổ” hay là “nạn nhân”. Rất nhiều ý kiến cho rằng thị trường sắp vỡ “bong bóng” và có nguy cơ sụp đổ.

Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã sử dụng chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, không phải dùng đến tiền ngân sách như một số quốc gia đã từng thực hiện. Cùng đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất linh hoạt, đổi mới phương thức hoạt động, kinh doanh. Đặc biệt, việc cơ cấu lại thị trường đã giúp loại bỏ các tay chơi nghiệp dư nhảy vào lĩnh vực bất động sản, kể cả những “ông lớn” nhưng không chuyên nghiệp – ông Nam phân tích.

Các Luật liên quan đến thị trường ra đời, cùng trợ lực của hàng loạt Nghị định đã tạo sự thuận lợi giải thoát những khó khăn cho thị trường. Mặc dù có những mảng được mở rộng, thoáng đãng như bán nhà cho người nước ngoài, nhưng cũng có những mảng siết chặt như mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, quy định chuyển nhượng – mua bán, huy động vốn, thế chấp bảo lãnh ngân hàng…

Một trong những thay đổi đáng được ghi nhận tại VNREA là chất lượng hội viên thay đổi mạnh. Trước đó, nhiều doanh lớn đứng ngoài, không tham gia “”cuộc chơi”. Tuy nhiên, 5 năm qua, VNREA đã phát huy vai trò, tiếng nói của hiệp hội nghề nghiệp và quy tụ sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như: Vincom, FLC, Alphnam, Thành Đô.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục