Vương quốc Anh đối mặt với nguy cơ thất nghiệp tràn lan

05:30' - 28/08/2020
BNEWS Số liệu thất nghiệp tại Anh thường có độ trễ hai tháng so với thực tế, nên không ai biết chính xác tỷ lệ thất nghiệp hiện tại.
Vương quốc Anh đối mặt với nguy cơ thất nghiệp tràn lan. Ảnh: THX/TTXVN

Tỷ lệ thất nghiệp chính thức mới được công bố tại Anh đến cuối tháng 6/2020 chỉ là 3,9%, mức tương đối thấp trong mọi hoàn cảnh. Xét trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng âm do dịch bệnh thì con số trên lại càng ấn tượng.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là vì Anh vẫn đang trong giai đoạn áp dụng các chương trình hỗ trợ giữ việc làm cho người lao động, theo đó Chính phủ hỗ trợ 80% mức lương để các doanh nghiệp trả cho người lao động không thể đi làm do dịch bệnh.

Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ trên sẽ kết thúc vào tháng 10 tới. Bắt đầu từ tháng Tám, các doanh nghiệp bắt đầu phải chia sẻ chi phí trả lương cho nhân viên nghỉ làm.

Số liệu thất nghiệp tại Anh thường có độ trễ hai tháng so với thực tế, nên không ai biết chính xác tỷ lệ thất nghiệp hiện tại, nhưng tình trạng thất nghiệp được công bố trong thời gian tới chắc chắn sẽ có sự gia tăng lớn. 

Ngày 18/8, chuỗi cửa hàng Marks & Spencer thông báo sẽ cắt giảm 7.000 việc làm. Bán lẻ và nhà hàng, khách sạn sẽ là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất, nhưng cả lĩnh vực văn phòng cũng sẽ bị tác động mạnh.

Accenture, một hãng tư vấn, cũng đang có kế hoạch cắt giảm 900 việc làm – tương đương với 8% lượng nhân lực tại Anh. Nhiều hãng luật, trong đó có cả những tên tuổi lớn như DWF và BCLP, cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 7,5%. Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách, cơ quan giám sát tài khóa độc lập, lại đưa ra dự báo bi quan hơn ở mức 12% trước khi giảm xuống.

Nếu so với quy mô tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế thì cả hai dự báo trên thực ra vẫn còn tương đối thấp. Điều này phản ánh quan điểm cho rằng, nhờ bãi bỏ các chính sách điều tiết trong những năm 1980 và 1990, thị trường lao động của nước Anh đã trở nên linh hoạt hơn.

Các nghiên cứu kinh tế gần đây dường như ủng hộ quan điểm trên. Trong đợt suy thoái đầu những năm 1980, mức sụt giảm 5% của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) làm tăng tỷ lệ thất nghiệp thêm khoảng 7%; trong những năm 1990, GDP của Anh giảm gần 2,5% và tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm gần 4%; trong đợt suy thoái 2008-2009, GDP giảm hơn 6% một chút nhưng tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng thêm khoảng 3%.

Các nhà hoạch định chính sách Anh đang hy vọng kịch bản lần này cũng tương tự như vậy, với việc BoE dự báo kinh tế nước này giảm 5% vào cuối năm 2020 so với trước khủng hoảng thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ chỉ tăng thêm khoảng 3,5%.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy. Ông Paul Gregg, một cựu quan chức Bộ Tài chính Anh, hiện đang làm giảng viên trường University of Bath, cho rằng mức tăng tỷ lệ thất nghiệp trong giai đoạn suy thoái một phần là kết quả của mức độ căng thẳng và sức ép lên doanh nghiệp, và một phần là kết quả của sự phân bổ theo ngành.

Đầu những năm 1990, các doanh nghiệp phải gánh nhiều khoản nợ cùng tác động của lãi suất cao. Trong giai đoạn 2008-2009, tỷ lệ lãi suất thấp và tỷ giá hối đoái thấp giúp duy trì biên độ lợi nhuận và làm tăng lạm phát, giúp mức lương thực tế giảm xuống. 

Còn trong lần này, những bất an liên quan đến Brexit vốn dĩ đã làm giảm triển vọng lãi suất của các doanh nghiệp, và rồi đến lượt nguồn cầu sụt giảm trong dịch bệnh – đặc biệt là trong những ngành tập trung nhiều lao động nhưng lại có biên độ lợi nhuận và năng suất thấp.

Lập luận của ông Gregg cho thấy bất kỳ sự sụt giảm nào về sản lượng kinh tế Anh lần này có thể làm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn mức sụt giảm GDP, và quá trình hồi phục sẽ trì trệ hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách.

Hầu hết các nước châu Âu đang hỗ trợ việc làm thông qua các chương trình giúp trả lương nhân viên nghỉ việc và các chương trình làm việc bán thời gian. Pháp đã gia hạn chương trình này thành hai năm, và Đức nhiều khả năng cũng hành động tương tự. Mỹ chấp nhận để cho thất nghiệp tăng nhưng bù lại bằng việc cấp những khoản phúc lợi khá hào phóng cho người mất việc làm. 

Anh sẽ sớm phải chấm dứt các chương trình hỗ trợ hiện tại trong khi không thể tăng trợ cấp thất nghiệp. Tháng Ba vừa qua, Chính phủ Anh chỉ tăng thêm 20 bảng Anh (26 USD) một tuần cho phụ cấp Tín dụng Tổng hợp (Universal Credit).

Tỷ lệ bù trợ cấp – tỷ lệ trợ cấp người lao động được hưởng so với mức thu nhập khi đi làm – của Anh ở mức thấp nhất trong nhóm các nước phát triển, và còn thấp hơn cả của chính nước này trong những năm 1990. Thất nghiệp gia tăng không chỉ gây tổn hại trực tiếp cho người lao động, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng sức mua của cả nền kinh tế.

Khác với nhiều nước châu Âu, Chính phủ Anh không có nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ phát triển việc làm trong những năm gần đây, mà thường để thị trường lao động tự điều tiết. Lần này có vẻ như Chính phủ Anh đang cân nhắc thực hiện một số chính sách. 

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã dành ra 1,6 tỷ bảng Anh (khoảng 2,1 tỷ USD) để hỗ trợ tạo “công việc chất lượng cao” cho thanh niên. Nhưng nội dung chi tiết của chương trình này vẫn còn rất sơ sài. Chương trình tương tự duy nhất tại Anh mang lại thành công những năm gần đây là Future Jobs Fund (FJF, Quỹ Việc làm Tương lai) được triển khai năm 2009./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục