Xây dựng Đường dây 500kV Bắc Nam – Bài 4: Những vấn đề đặt ra

10:47' - 09/05/2018
BNEWS Những con số thống kê này đã cho thấy những chặng đường thực sự khó khăn trong việc thi công đường dây 500kV Bắc - Nam, đặc biệt với thời gian thi công chỉ là hai năm.
Xây dựng Nhà máy điện Duyên Hải 3 mở rộng. Ảnh: TTXVN

Đường dây 500kV Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.487 km đi qua 14 tỉnh thành: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó chỉ có 297 km đi qua vùng đồng bằng (chiếm 20%), 669 km đi qua vùng trung du - cao nguyên (chiếm 45%); còn lại 521 km là núi cao, rừng rậm.

Đường dây cũng bắc qua 8 con sông là sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương và sông Sài Gòn.

Những con số thống kê này đã cho thấy những chặng đường thực sự khó khăn trong việc thi công đường dây 500kV Bắc - Nam, đặc biệt với thời gian thi công chỉ là hai năm.

Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam chỉ còn thiếu 13 km nữa là tròn 1.500 km đúng với chiều dài của ¼ bước sóng. Tính toán chế độ bù là một vấn đề lớn đã được đề cập nhiều lần trong nhiều cuộc họp, là nỗi băn khoăn của không ít các nhà khoa học trong nước và nước ngoài.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng không thể vận hành đường dây dài như vậy với nguồn một đầu, phụ tải một đầu.

Với kiến thức đã tiếp thu, kết hợp với tài liệu các công trình đã xây dựng trên thế giới như lưới điện 500kV của Pakistan, lưới điện 735kV của Canada cùng với ý kiến của các chuyên gia Nippon Koei, tư vấn Việt Nam đã đưa ra giải pháp phân đoạn đường dây 500kV.

Phương án đầu tiên, chia làm hai đoạn, gồm: Hòa Bình - Đà Nẵng và Đà Nẵng - Phú Lâm. Song qua tính toán, tất cả chế độ bù đều không đảm bảo mức ổn định và mức tổn thất điện áp. Cuối cùng, chuyên gia tư vấn đã đưa ra giải pháp chia làm bốn đoạn, tức thêm hai nút: Hà Tĩnh và Pleiku.

Với giải pháp này, các chế độ ổn định tĩnh, ổn định động ngay khi vận hành trên sơ đồ tối thiểu (chỉ có trạm biến áp 500kV Hòa Bình tải thẳng tới trạm biến áp 500kV Phú Lâm) vẫn đảm bảo được các chế độ đề ra.

Đường dây 500kV có lắp dây cáp quang, do đó hệ thống thông tin giữa năm trạm được thực hiện qua đường cáp quang.

Thi công Trạm biến áp 500kV Ô Môn. Ảnh: TTXVN

Nhưng từ Đường dây 500kV đến Trung tâm Điều độ Quốc gia ở Hà Nội, Điều độ khu vực miền Trung tại Đà Nẵng và Điều độ khu vực miền Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh rất xa. Nếu chọn phương thức ghép nối qua đường thông tin bưu điện thì sẽ không chủ động, không đáp ứng đủ dung lượng thông tin và đặc biệt là không đảm bảo hệ số an toàn (số lần mất liên lạc và thời gian mất liên lạc).

Do đó Ban quản lý công trình đã quyết định chủ động trang bị hệ thống vi ba số nối Hòa Bình với Trung tâm Điều độ Quốc gia, trạm biến áp 500kV Đà Nẵng với Điều độ miền Trung và trạm biến áp 500kV Phú Lâm với Điều độ miền Nam.

Giải pháp kỹ thuật phần xây dựng được quan tâm nhất là hình dáng và kết cấu cột đường dây 500kV. Qua kinh nghiệm tính toán các cột đường dây 220kV, các khoảng vượt lớn, Công ty Khảo sát Thiết kế Điện 1 đã đưa ra nhiều mô hình tính toán để lựa chọn giải pháp tối ưu.

Cột Đường dây 500kV đã xây dựng về hình dáng không khác những Đường dây 500kV khác trên thế giới, nhưng về kết cấu là sản phẩm hoàn toàn do trí tuệ của kỹ sư Việt Nam lập ra.

Một sáng tạo lớn trong Đường dây 500kV là đã đề xuất loại cột néo một thân cho một pha, vừa thuận lợi cho thi công, vừa thuận lợi cho việc lựa chọn các khoảng vượt tùy ý mà không phụ thuộc vào khoảng cách pha.

Toàn tuyến có 3.474 cột với khối lượng khoảng 60.000 tấn. Do tiến độ gấp rút nên trong nước chỉ chế tạo 1/3 số lượng cột, còn 2/3 phải đặt hàng chế tạo tại Ucraina và Hàn Quốc.

Về kết cấu móng trên các khu vực đồi núi và cao nguyên không có gì đặc biệt về địa chất, riêng đoạn vào Thành phố Hồ Chí Minh, do địa chất quá yếu nên phần lớn được xử lý bằng móng cọc. Tổng khối lượng thép móng là 14.473 tấn và tổng khối lượng bê tông móng là 236.400 m3.

Tổng Dự toán công trình Đường dây 500kV vào thời điểm ấy là 5.713 tỷ đồng. Dự toán được Chính phủ duyệt và giao cho Bộ Tài chính điều hành cấp vốn kịp thời cho công trình./.

>>> Bài 5: Vừa thiết kế, vừa thi công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục