Xây dựng Đường dây 500kV Bắc Nam – Bài 7: Bước ngoặt trong phát triển kinh tế - xã hội

07:24' - 10/05/2018
BNEWS Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Khởi công Trạm biến áp 500kV Việt Trì và đường dây đấu nối. Ảnh: TTXVN

Như một sự ngẫu nhiên, tháng 5/1994, Đường dây 500kV mạch 1 đưa vào vận hành vào đúng dịp cả dân tộc Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994), đưa điện từ miền Bắc vào “chi viện” cho miền Nam và miền Trung khi ấy đang đương đầu với những cơn khát điện triền miên.

Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đường dây 500kV mạch 1 là công trình trọng điểm trong phát triển kinh tế đất nước, trong cả giai đoạn đầu và các giai đoạn về sau.

Công trình giải quyết tình trạng thừa điện miền Bắc, thiếu điện ở miền Trung và miền Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Kết quả là điện thương phẩm tăng trưởng của toàn quốc (từ 5-6% giai đoạn 1990-1992) đã lên đến 18,2% giai đoạn 1993-1997 và tăng trưởng đỉnh điểm là 21% năm 1995; trong đó khu vực miền Trung và miền Nam là 21% giai đoạn 1993-1997 và năm 1995 là 25%.

Những đóng góp trên là một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước, với tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995; trong đó tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14% trong giai đoạn 1990-1995 vượt các chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra. Đồng thời, góp phần quan trọng vào Chiến lược về đảm bảo quốc phòng, an ninh, thống nhất đất nước.

Đường dây 500kV kéo dài từ Bắc vào Nam cũng chính là “sợi dây vô hình”, nhưng cũng hết sức “bền chặt” nối liền hai miền Nam - Bắc. Là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bằng và miền núi trên cả nước.

Công trình trọng điểm của đất nước mở đường cho những tư duy “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đối với ngành Điện, đây là công trình đánh dấu sự chuyển hóa từ trạng thái lạc hậu sang trạng thái văn minh.

Hiện đại hóa ngành điện, thống nhất ngành Điện, điều hòa hệ thống truyền tải từ Bắc vào Nam; nối liền hệ thống điện trong cả nước, giải quyết được bài toán thiếu điện liên miên ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Việc xây dựng đưa vào vận hành đường dây 500kV đã góp phần điều  hòa công suất, khắc phục tình trạng thiếu điện, cung cấp điện ổn định cho các địa phương đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam.

Công trình còn mang lại lợi ích kinh tế vượt trội so với các công trình điện lớn khác, là công trình đầu tiên và duy nhất trong ngành điện thu hồi vốn nhanh nhất, tính đến thời điểm đó.

Nhà máy điện Vĩnh Tân. Ảnh: TTXVN

Trong vòng chưa đầy 3 năm ngành điện đã thu hồi được tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu đô la Mỹ, trong khi dự kiến ban đầu là mất 5-10 năm.

Nguồn điện ở Việt Nam có đặc điểm là cơ cấu nguồn điện ở các miền rất khác nhau.

Chẳng hạn như, ở miền Nam, các nhà máy nhiệt điện dùng dầu DO và khí chiếm tỷ lệ quan trọng đặc biệt trong mùa khô.

Nguồn điện ở miền Bắc gồm các nhà máy thủy điện và các nhà máy nhiệt điện than có giá thành thấp hơn các nguồn điện dùng nhiên liệu dầu.

Tuy các nhà máy thủy điện ở nước ta phân bố ở cả ba miền, nhưng cao điểm lũ lại khác nhau từ 4 đến 8 tuần.

Do đó, hệ thống truyền tải 500kV tạo điều kiện khai thác các nhà máy điện với hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các hệ thống truyền tải miền riêng biệt trước đây.

Bên cạnh đó, tổng chi phí nhiên liệu đã giảm rõ rệt so với giai đoạn chưa có hệ thống hợp nhất.

Theo đó, tỷ lệ nguồn điện dùng nhiên liệu lỏng so với tổng sản lượng điện nhận của miền Nam và miền Trung đã giảm từ 37% năm 1993 xuống 16,6%/năm 1995 nhờ có hệ thống truyền tải 500kV.

Mặt khác, năng lực các nhà máy điện miền Bắc đã sớm được phát huy. So sánh lượng phát điện năm 1995 và 1993 cho thấy, các nhà máy nhiệt điện than tăng 2,62 lần; thủy điện Hòa Bình tăng 1,35 lần.

Chỉ tính riêng phần chênh lệch giữa giá thành điện năng chuyển từ nhà máy thủy điện để cung cấp cho miền Trung và miền Nam so với giá điện năng phát ra từ các nguồn nhiệt điện chạy dầu và diezen vẫn được sử dụng trước khi có đường dây 500kV đã hơn con số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Theo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, nhìn nhận một cách khách quan, cho thấy việc đưa Hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam vào vận hành không chỉ tiếp thêm sức mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho miền Trung và miền Nam mà còn thổi một luồng sinh khí mới cho các nhà máy điện ở miền Bắc và các mỏ cung cấp than thời bấy giờ.

Việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công Hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam, còn là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện lực Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế.

Đây là công trình mở đầu cho sự hiện đại hóa hệ thống điện, thuận lợi cho việc điều hòa, điều động trào lưu công suất Nam - Bắc.

Không những thế, công trình đã đánh dấu mốc cho sự Đổi mới tư duy điều hành của ngành Điện, mở đường cho sự phát triển của ngành Điện và là cơ sở để xây dựng Đường dây 500kV mạch 2, mạch 3. Trong quá trình xây dựng công trình đã đào tạo được một đội ngũ kỹ sư, cán bộ, công nhân lành nghề làm nền tảng cho sự phát triển về sau.

Thực tế đã chứng minh điều này khi Đường dây 500kV mạch 2, mạch 3 được xây dựng bởi chính bàn tay, khối óc của đội ngũ cán bộ công nhân trong nước, không cần thuê chuyên gia, cán bộ nước ngoài.

Việc hoàn thành Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam cũng đánh dấu sự ra đời Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), 4 công ty truyền tải điện đã vận hành khai thác an toàn, hiệu quả cao của hệ thống đường dây này, truyền tải hàng trăm tỷ kWh cung cấp điện cho miền Trung và miền Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục