Xu hướng mua sắm “đồ cũ qua tay” phát triển nở rộ tại Bỉ

09:00' - 12/02/2024
BNEWS Xu hướng mua hàng “second hand” (hàng cũ) đang trở nên phổ biến vì tiết kiệm hơn, tuần hoàn hơn, sinh thái hơn và thời trang hơn.

Ở Bỉ, xu hướng mua hàng “second hand” (hàng cũ) đang trở nên phổ biến vì tiết kiệm hơn, tuần hoàn hơn, sinh thái hơn và thời trang hơn, đặc biệt là khi nhắm vào những sản phẩm mang dáng vẻ cổ điển (vintage).

Việc các thương hiệu lớn quan tâm đến mô hình "second hand" không phải là điều mới mẻ: Decathlon ra mắt cửa hàng bán đồ đã qua sử dụng đầu tiên Trocathlon cách đây hơn 35 năm. Hiện nay, Decathlon mở cửa cho các thương hiệu khác phát triển phương thức bán hàng đã qua sử dụng: Kiabi, Zeeman, ZEB, Dreambaby, Caméléon, Ikea, Hubsid, Store, Krëfel....

Dường như hình thức kinh doanh này khá phát đạt. Các mặt hàng cũ không được bán ở bãi đậu xe của các điểm bán hàng hoặc trên cửa hàng trực tuyến, mà trong chính các cửa hàng hoặc thậm chí đặt cùng trên các giàn treo với đồ mới.

Có sáu lý do giải thích cho sự thành công này.

Đầu tiên, thị trường đồ cũ đang trở nên phổ biến hơn.

Ông Gino Van Ossel, Giáo sư ngành Bán lẻ tại Trường kinh doanh Vlerick Brussels, cho rằng thành công của hàng second hand nói chung và nền tảng Vinted nói riêng giải thích nhiều điều. Trong đó, thị trường đồ cũ đã trở nên thiết yếu đối với những người tiêu dùng mới.

 

Giám đốc bán hàng của Kiabi chi nhánh Bỉ, bà Doriane Magnus, thừa nhận với tư cách là một thương hiệu gia đình, việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng rất quan trọng. Hiện nay, nhu cầu chính là hàng đã qua sử dụng. Hơn nữa, các thương hiệu tung ra thị trường hàng cũ không chỉ giới hạn việc cung cấp cho riêng thương hiệu của họ hoặc cho một mục tiêu duy nhất. Kiabi bán quần áo cho cả nam giới và phụ nữ. Ngay cả quần áo cho trẻ sơ sinh và trẻ em cũng đều là những mặt hàng bán chạy nhất. Decathlon chào đón tất cả các thương hiệu và tất cả các sản phẩm: dệt may, giày dép, lều, túi xách… Không chỉ xe đạp, xe tay ga mà cả các thiết bị thể dục như máy chèo hoặc xe đạp tập thể dục cũng rất được yêu thích.

Thứ hai là tính bền vững và tính tuần hoàn của hoạt động tiêu dùng.

Bà Doriane Magnus cho biết thêm là một công ty quốc tế trong ngành dệt may rất gây ô nhiễm, Kiabi phải có trách nhiệm hơn trong hoạt động kinh doanh. Tính tuần hoàn của các sản phẩm của công ty là một phần trong đó.

Decathlon cũng có ý kiến tương tự. Vào tháng 11/2023, nhân dịp khai trương quầy “Second Life” tại 37 cửa hàng ở Bỉ, tập đoàn đã tung ra sự kiện “Thứ Sáu Đen”. Ông Arnaud De Coster, người quản lý của công ty giải thích rằng công ty mong muốn đáp ứng một số khách hàng có ít khả năng mua sắm hơn, đồng thời giảm lượng carbon và tác động đến môi trường trong khi vẫn tiếp tục phát triển. Do đó, đối với sản phẩm tái chế, tập đoàn cũng áp dụng chế độ bảo hành tương tự và khả năng đổi hàng giống như sản phẩm mới.

Ông Gino Van Ossel cho biết thêm mô hình này càng trở nên thực tế hơn trong ngành thời trang, khi ngành đang cân nhắc về lợi ích của việc tiếp tục bán những mặt hàng có nguy cơ không được sử dụng. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không còn nói về việc bán hàng second hand mà là việc mang lại "một cuộc sống thứ hai" cho những sản phẩm, nếu không chúng sẽ bị bỏ đi. Trong thời trang, chúng ta không nói rằng một bộ quần áo đã được người khác mặc, mà là được “yêu thích”.

Thứ ba, các công ty muốn thu hút khách hàng mới đồng thời giữ chân khách hàng cũ.

Hầu hết các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng đã qua sử dụng đều mua chúng từ các cá nhân và trả tiền bằng phiếu mua hàng. Ông Gino Van Ossel cho hay mô hình này thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo cho những người tiêu dùng này một sự lựa chọn phù hợp. Đây là lý do tại sao các cửa hàng không mở các không gian dành riêng cho hàng second hand tại tất cả các điểm bán hàng của họ.

Bà Doriane Magnus cho biết, Kiabi không để đồ second hand trong một không gian riêng. Thay vào đó, khi có thể, công ty sẽ bố trí nhiều giàn treo trong các cửa hàng theo cách di chuyển tự nhiên của khách hàng và phân chia ra mỗi khu vực riêng: nam, nữ, trẻ em, em bé.

Thứ tư, các ty đang thiếu một số sản phẩm mới.

Lý do chính cho việc Decathlon ra mắt dịch vụ "Second life" là vì cuộc khủng hoảng COVID-19 và những hậu quả của nó đối với việc vận chuyển, nguyên liệu, đi lại… Một loạt vấn đề này đã khiến họ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Ông Gino Van Ossel kể lại vào tháng 6/2021, sau khi kết thúc giai đoạn phong tỏa, công ty không còn xe đạp nào trong kho nữa. Do đó, họ chào mời khách hàng thay thế xe đạp bằng các xe tay ga và thiết bị duy trì sức khỏe. Theo ông, những mặt hàng đã qua sử dụng này nên được xem như các phương án thay thế chứ không chỉ là những sản phẩm giá rẻ.

Tiếp theo là vấn đề dư thừa chỗ trống tại các cửa hàng.

Sự xuất hiện các mặt hàng đã qua sử dụng tại một số cửa hàng cũng có thể được giải thích là do mặt bằng của cửa hàng đang trống. Nếu cửa hàng quá lớn, một số nhà phân phối sẽ cung cấp đồ đã qua sử dụng để lấp đầy chúng. Nhưng nếu cửa hàng quá nhỏ thì loại dịch vụ này thường không thực hiện được. 

Nhu cầu ngăn chặn hàng giả và các hành vi gian lận khác cũng là lý do cho xu hướng kinh doanh này.

Các thương hiệu xa xỉ không phải là những bên duy nhất muốn bảo vệ nhãn hiệu của mình. Bằng cách mở các không gian "second hand", các thương hiệu trên thị trường hàng tiêu dùng đại chúng cũng đảm bảo chất lượng cho những đồ đã qua sử dụng được bày bán tại cửa hàng của họ. Điều này giúp tránh vô số tranh chấp xảy ra về vấn đề hàng hóa trên các nền tảng trực tuyến.

Nhu cầu tăng doanh thu cũng là lực đẩy để các công ty tiến vào thị trường đồ qua sử dụng. Ngay cả khi bán hàng second hand không phải là mục tiêu chính, một thương hiệu cũng có thể kinh doanh hàng cũ để trực tiếp tăng doanh thu của mình. Ông Gino Van Ossel cho biết, tất cả phụ thuộc vào giá cả. Cũng giống như vì có hai nhóm khách hàng mục tiêu – một nhóm chọn mua vì lý do ngân sách, một nhóm khác vì sở thích đồ cổ điển, nên sẽ có hai loại giá khác nhau cho các đồ đã qua sử dụng.

Theo các thương hiệu, nếu muốn triển khai một dịch vụ như vậy, các công ty có thể lựa chọn Bỉ. Dịch vụ "Second life" hiện được cung cấp ở tất cả các quốc gia có thương hiệu này hoạt động, nhưng Bỉ là nơi dịch vụ ghi nhận hoạt động tốt nhất. Đó có thể vì thị trường này ít rào cản nhất ở đây. 

Dịch vụ bán hàng cũ đã được ra mắt ở Pháp, nhưng Bỉ là quốc gia tiên phong trên phạm vi quốc tế. Theo bà Doriane Magnus thuộc Kiabi, dịch vụ này ở Bỉ hoạt động tốt nhất: Doanh thu trên mỗi mét vuông cao gấp bốn lần so với các quốc gia khác.

Bà nhận xét người Bỉ thực sự rất ưa chuộng hàng cũ, đồng thời chỉ ra rằng tỷ trọng doanh số bán hàng của nước này lên tới “vài phần trăm” (đối với các mặt hàng được bán rẻ hơn 40 đến 80% so với hàng mới). Bà cũng dự đoán rằng cửa hàng trực tuyến Secondmain.kiabi hiện chỉ hoạt động ở Pháp sẽ thành công hơn khi vượt qua biên giới để tới Bỉ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục