Xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore giảm lần đầu tiên sau gần 2 năm

10:52' - 20/11/2022
BNEWS Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (Nodx) của Singapore trong tháng Mười đã giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu từ Enterprise Singapore (EnterpriseSG), xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (Nodx) của Singapore trong tháng Mười đã giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021, đảo ngược mức tăng 3,1% của tháng Chín và phá vỡ chu kỳ tăng trưởng xuất khẩu trong 22 tháng liên tục của "đảo quốc Sư tử".

Cụ thể, trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ của tháng Mười đạt 15,9 tỷ SGD. Nguyên nhân là do sự sụt giảm trong xuất khẩu hàng điện tử, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2021, sau khi giảm 10,6% trong tháng Chín.

 

Xuất khẩu đồ điện tử của Singapore, vốn chiếm khoảng 1/4 xuất khẩu trong nước, hiện đã giảm 3 tháng liên tiếp, trong đó giảm mạnh nhất là các sản phẩm truyền thông đĩa (45,7%), bộ phận máy tính cá nhân (31,6%) và chất bán dẫn hay mạch tích hợp (11,1%).

Bên cạnh đó là sự sụt giảm của các lô hàng xuất khẩu phi điện tử với 4,5%, trong đó giảm mạnh nhất là dược phẩm (34,7%), vàng phi tiền tệ (45,5%) và hóa dầu (18,4%).

EnterpriseSG cho biết xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore sang 10 thị trường hàng đầu của nước này nhìn chung giảm trong tháng Mười, trong đó thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với các lô hàng giảm 32%, sau khi giảm 33,7% trong tháng Chín.

Tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) với mức giảm 19,5%, đảo ngược mức tăng 3% trong tháng Chín. Tuy nhiên, xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore sang Mỹ,  vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng, đặc biệt là sang Đài Loan với mức tăng 21,6%, sau khi tăng 10% trong tháng Chín.

Các nhà kinh tế dự đoán với lãi suất tăng và lạm phát cao liên tục, cùng với những bất ổn địa chính trị đang diễn ra, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc mạnh hơn trong thời gian tới do nhiều ngân hàng trung ương ưu tiên chống lạm phát hơn là hỗ trợ tăng trưởng.

Vì vậy, xuất khẩu của Singapore sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian còn lại của năm 2022 và sang quý I/2023 do nhu cầu bên ngoài suy yếu, với khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone) vào đầu năm 2023.

Theo các chuyên gia, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về khả năng xảy ra suy thoái ở nước này vào năm 2023, dẫn đến sự suy giảm trong sản xuất và các dịch vụ liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, một số lĩnh vực đã mở cửa trở lại của Singapore, như khách sạn, hàng không, thực phẩm và đồ uống, xây dựng vẫn sẽ tăng trưởng với tốc độ lành mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục