Xung quanh dự án đường ống dẫn dầu qua biển Baltic

06:19' - 06/09/2018
BNEWS Báo Le Soir, Bỉ mới đây đăng bài phân tích cho rằng dự án đường ống dẫn dầu qua biển Baltic mang tên "Dòng chảy phương Bắc 2" là yếu tố gây chia rẽ EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 dài 1.224km dưới biển Baltic, đoạn qua Lubmin, miền Đông Bắc nước Đức ngày 8/11/2011. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc gặp gần đây giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin, vấn đề Syria và Đông Ukraine là trọng tâm của chương trình nghị sự, nhưng dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" cũng là một nội dung quan trọng được hai nhà lãnh đạo bàn thảo. 

Ngoài đường ống dẫn dầu hiện nay, một liên minh gồm tập đoàn Gazprom của Nga cùng với các tập đoàn của Đức, Hà Lan và Pháp mong muốn xây dựng đường ống dẫn dầu thứ 2 nối Nga và Đức qua biển Baltic. Ukraine, do không muốn mất đi nguồn thu nhập từ phí chuyển tải quá cảnh qua nước mình, đã quyết liệt phản đối dự án mới này. 

Cũng như nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump, Ba Lan và các nước Baltic nhìn dự án mới với thái độ không mấy thiện cảm vì lo ngại sự phụ thuộc quá mức của châu Âu vào Nga trong vấn đề an ninh năng lượng. Tổng thống Trump còn có lý do khác để "ác cảm" với đường ống dẫn dầu này, đó là ông muốn gia tăng xuất khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ sang châu Âu.

Châu Âu hiện có 2 nguồn cung khí đốt: một là nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga đến từ các mỏ tại khu vực Tây Siberi thông qua một hệ thống đường ống dẫn rất dài; hai là nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ được vận chuyển bằng tàu, đắt hơn nhiều so với giá cả sản phẩm cùng loại của Nga. EU sẽ phải cần tới cả hai nguồn cung này trong một thời gian dài.

Tổng thống Nga Putin là người hiểu rõ sự liên quan giữa khí đốt tự nhiên và quyền lực chính trị. Theo ông, khí đốt tự nhiên phải trở thành một thứ vũ khí, một yếu tố quan trọng hậu thuẫn cho quyền lực chính trị. 

Nếu tuyến đường ống của dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" (chạy ngầm dưới biển Baltic) đi vào vận hành, Điện Kremlin sẽ vượt qua được rào cản Ukraine và có thể cắt đứt nguồn thu nhập đáng kể mà Kiev có được từ việc trung chuyển năng lượng qua đất nước này. 

Các câu chuyện thời Chiến tranh Lạnh cho thấy Điện Kremlin luôn biết tính toán giữa chính trị và kinh tế, ví dụ việc cung cấp khí đốt cho châu Âu luôn được duy trì, ngay cả khi quan hệ hai bên "băng giá". Khí đốt không chỉ sưởi ấm nhà cửa, các trung tâm nhiệt điện của Đức mà còn ảnh hưởng tới mối quan hệ chính trị giữa hai bên.

Sự ổn định của các khoản thu từ việc bán khí đốt ở miền Tây Siberia cho các nước công nghiệp phát triển của châu Âu là nguồn tài chính rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga, vốn luôn phải đối mặt với sự trừng phạt vì vấn đề Ukraine, Crimea hay Syria. 

Trong vấn đề khí đốt, người ta có thể đọc được các con bài của ông Putin. Trung Quốc đã nổi lên là thị trường tiêu thụ thay thế cho các khách hàng cũ của Nga. Trong sự thay đổi này, chỉ còn vấn đề về khoảng cách và giá cả là đáng quan tâm. 

Trong khi EU là một đối tác không dễ trên bàn đàm phán, nhất là họ tự tin được Mỹ ủng hộ, thì Trung Quốc - một quốc gia đang rất thèm khát các nguồn năng lượng trên toàn thế giới với châm ngôn "sòng phẳng có thể trở thành người bạn tốt của Kremlin". Một số siêu cường châu Á khác cũng vậy.

Tình hình đang trở nên phức tạp với nhiều yếu tố đan xen chằng chịt. Trên thị trường, khí đốt hóa lỏng từ Mỹ cạnh tranh với khí đốt tự nhiên của Nga và hai nhà cung cấp năng lượng này lại đang cùng phải cạnh tranh với khí đốt của vùng Vịnh Persic. 

Phương Tây có thể ung dung chờ xem các biến động của thị trường và tận dụng thời cơ hưởng lợi nếu các đường ống dẫn dầu và khí đốt tự nhiên của Kremlin bớt bị phụ thuộc vào vị trí địa lý của Ukraine.   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục