Yếu tố đẩy giá lúa mỳ lên mức cao nhất trong 10 năm

06:30' - 09/12/2021
BNEWS Giải thích về hiện tượng leo thang giá lương thực, nhật báo Le Figaro cho rằng nguyên nhân là do tình trạng mất mùa vì hạn hán, lũ lụt và nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc, khu vực Trung Đông…

Đầu tháng 12/2021, giá lúa mỳ mềm đã một lần nữa vượt ngưỡng 300 euro/tấn trên sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Âu Euronext, một mức giá chưa từng thấy trong hơn 10 năm trở lại đây.

Giải thích về hiện tượng leo thang giá lương thực trong thời gian qua, đặc biệt là lúa mỳ, nhật báo Le Figaro cho rằng nguyên nhân một mặt là do tình trạng mất mùa vì hạn hán, lũ lụt và mặt khác là nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc, khu vực Trung Đông…  

Sự lên giá lúa mỳ đang khiến cả thế giới quan tâm, thậm chí lo ngại không kém so với sự xuất hiện của Omicron, biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Philippe Chalmin, nhà kinh tế chuyên về nguyên liệu thô, nhận xét: "Thị trường thế giới khá căng thẳng. Sự gia tăng nhu cầu là rất lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc, quốc gia đang trở thành nhà nhập khẩu thường xuyên. Trong khi sản lượng thì lại giảm".

* Cung giảm nhưng cầu không giảm

Theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế, sản lượng lúa mỳ mềm trên thế giới trong niên vụ hiện tại là 777 triệu tấn, "mức cao kỷ lục", nhưng tổng mức tiêu thụ giai đoạn này dự kiến lên đến 782 triệu tấn.

Chuyên gia Philippe Chalmin giải thích: "Một loạt sự cố về khí hậu, thời tiết đã làm giảm sản lượng ở các nước xuất khẩu". Tại Canada, hạn hán và lũ lụt đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, khiến việc tiếp cận cảng Vancouver trở nên khó khăn. Mỹ và Nga cũng phải đối mặt với tình trạng hạn hán, trong khi ở châu Âu các đợt mưa cũng ảnh hưởng đến chất lượng lúa mỳ".

Trong khi cung giảm thì cầu lại không giảm. Sản lượng mùa màng trong nước kém tích cực đang buộc các nước Trung Đông như Iran - nước tiêu thụ lớn lúa mỳ và từng phải đối mặt với hạn hán, và Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập - những nước nhập khẩu đến 62% nhu cầu lúa mỳ - phải mua vào ồ ạt.

Pakistan và Trung Quốc cũng đang tiến hành các thương vụ mua số lượng lớn lương thực để bổ sung nguồn dự trữ của họ, trong khi Bangladesh cũng có nhu cầu lương thực cao để đối phó với tình trạng gia tăng dân số mạnh. 

Ở Nam Bán Cầu, đặc biệt là ở Australia và Argentina, nơi vụ thu hoạch chỉ mới bắt đầu, mọi điều còn chưa chắc chắn bởi tình trạng thời tiết lạnh giá và mưa xối xả trong những ngày gần đây đang đe dọa mùa màng của người dân.

* Nga áp đặt hạn ngạch để hạn chế xuất khẩu

Arthur Portier, chuyên gia phân tích kinh tế tại Tổ chức chuyên về quản lý rủi ro thị trường nông sản Agritel, đã chỉ ra rằng "sự xảy ra đồng thời của các yếu tố" làm tình hình thêm căng thẳng.

Dòng tiền được điều chỉnh bởi các ngân hàng trung ương để đối phó với cuộc khủng hoảng đã gây ra tình trạng lạm phát, khiến giá hàng hóa tăng vọt, kéo theo cả sự leo thang của giá ngũ cốc. Các doanh nghiệp lao vào đầu cơ lương thực như lúa mỳ - loại ngũ cốc bán chạy thứ hai trên thế giới sau ngô.

Trong khi đó, Maxime Rodde, chuyên gia trong lĩnh vực nông sản tại công ty bảo hiểm tín dụng Coface, thì cho rằng: "Moskva đã đặt ra hạn ngạch hạn chế xuất khẩu từ tháng 5-6/2020. Hiện giờ, nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới này đang áp thuế rất cao lên mặt hàng lương thực này, tương đương hơn 80 USD/tấn kể từ ngày 1/12, khiến sản lượng bán ra nước ngoài giảm và khiến chênh lệch giữa cung và cầu ngày càng cao".

Đây có thể coi là là một cách để bảo đảm đủ ngũ cốc cần thiết cho tiêu dùng nội địa Nga, nhưng phải chăng cũng là cách, như Moskva đã làm với khí đốt, để gây khó cho thị trường châu Âu?

Theo quan sát của nhà kinh tế Philippe Chalmin, việc tăng giá sẽ còn kéo dài. "Chúng ta có thể biết chính xác sản lượng gieo trồng ngũ cốc, nhưng không thể đoán trước thời tiết trong vài tháng tới sẽ ra sao". Bên cạnh đó, chuyên gia Philippe Chalmin cũng lưu ý về mối quan ngại liên quan đến việc lượng mưa ít ở khu vực Biển Đen hoặc ở Mỹ sẽ đè nặng lên chất lượng của các vụ thu hoạch tiếp theo.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp còn có thể chịu ảnh hưởng từ sự biến động trong một số lĩnh vực khác như phân bón. Giá phân đạm đã tăng mạnh trong một năm qua, vượt mức tăng 300%.

Phân bón nitơ khoáng hợp chất amoni nitrat 33,5%, loại phân bón khoáng được sử dụng rộng rãi nhất, đã tăng từ 250 euro/tấn vào tháng 11/2020 lên 750 euro/tấn. Đối mặt với sự bùng phát như vậy, nông dân có thể sử dụng ít phân bón hơn, điều sẽ làm giảm năng suất, hoặc họ sẽ ưu tiên canh tác các loại cây trồng cần ít phân bón hơn như lúa mạch hoặc đậu nành thay cho ngô hoặc lúa mỳ.

* Hậu quả là những nguy cơ về rủi ro xã hội

Các nhà quan sát lo ngại rằng sự tăng giá lương thực hiện nay có thể kéo dài hơn giai đoạn năm 2008. Và điều này sẽ dẫn đến những rủi ro xã hội.

Giữa các nhà nhập khẩu, khả năng chống chịu sự tăng giá lương thực là khác nhau. Trong số các quốc gia hết sức cần lúa mỳ, Algeria, quốc gia nhập khẩu đến 65% lượng tiêu thụ, hoặc Iran, là những quốc gia có thể bù đắp được cho mức giá cao nhờ giá dầu bắt đầu tăng trở lại lên mức gần 80 USD/thùng. Tình hình tương tự với Indonesia, quốc gia giàu nickel, đồng và các nguyên liệu thô khác được xuất khẩu với giá cao.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của Giám đốc phát triển Agritel Sébastien Poncelet, "lương thực chính của một bộ phận nhân loại đang bị đe dọa. Bất ổn lương thực ở các quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu càng trở nên nghiêm trọng hơn vì giá dầu thực vật cũng đang tăng vọt lên mức kỷ lục". Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã quay trở lại mức cao của mùa Xuân năm 2008 và 2011, khi tình trạng bạo loạn đói và "Mùa xuân Arập" đã làm đảo lộn trật tự được thiết lập.

Ông Philippe Chalmin bổ sung rằng căng thẳng có thể phát triển ở các nước châu Phi, chẳng hạn như Senegal và Bờ Biển Ngà, nơi lúa mỳ đã trở thành lương thực cơ bản trong chế độ ăn uống của các khu vực thành thị.

Mặc dù vậy, ở một góc nhìn khác Marc Livinec, cố vấn lĩnh vực này tại công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, lại cho rằng "xác suất rủi ro xã hội sẽ thấp hơn so với thời điểm Mùa xuân Arập".

Theo cố vấn Livinec, giá lúa mỳ dự kiến sẽ giảm trong năm tới. Do dịch tả lợn, 50% đàn lợn của Trung Quốc đã chết vào năm 2020 và trong lúc chờ để gây dựng lại đàn lợn mới, những người nông dân đã quay trở lại trồng lúa mỳ.

Chuyên gia từ Euler Hermes cho biết, ông hy vọng "giá lúa mỳ trung bình trong năm 2022 sẽ được giữ ở mức khoảng 250 USD/tấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục