15 năm mở rộng địa giới Hà Nội: Bài 2 - Thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn

16:05' - 31/07/2023
BNEWS Theo Ủy ban nhân dân Tp. Hà Nội, ngân sách đầu tư cho các huyện thời gian qua được tăng cường, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế được đầu tư theo hướng chuẩn hóa.

Sau khi sáp nhập địa giới hành chính, phần lớn xã, huyện của Hà Nội thuộc vùng nông thôn, điều kiện kinh tế của người dân nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún.

Thành phố Hà Nội đã tập trung cao độ nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, hệ thống giao thông, thủy lợi, các khu, cụm công nghiệp chế biến khá đồng bộ, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, các làng nghề nổi tiếng và sản phẩm OCOP chất lượng cao. Đời sống văn hóa vùng nông thôn cũng đổi thay hàng ngày.

Dành nhiều nguồn lực cho cơ sở hạ tầng

 

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn luôn được Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân thành phố quan tâm hàng đầu, có nhiều cơ chế đặc thù, ban hành nhiều nghị quyết, văn bản, chương trình nhằm chỉ đạo sâu sát và triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời.

Đặc biệt, thời gian gần đây, thành phố rất chú trọng việc tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các thủ tục đầu tư. Điều kiện kinh tế, chất lượng cuộc sống vùng nông thôn của Hà Nội đã được nâng lên rõ nét.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngân sách đầu tư cho các huyện thời gian qua được tăng cường, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế được đầu tư theo hướng chuẩn hóa.

Giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là 27.109 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 8.546 tỷ đồng (chiếm 31,5%). Giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí huy động là 62.459 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 21.935 tỷ đồng (chiếm 35,1%). Từ năm 2021 đến quý II/2023 tổng kinh phí huy động là 46.778 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 22.129 tỷ đồng (chiếm 47,3%).

Để phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội đang thúc đẩy thực hiện chương trình mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP); năm 2022, đã phê duyệt 518 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao. Lũy kế đến nay, thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP; phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, hình thành nhiều vùng chuyên canh, cung cấp sản phẩm, thực phẩm chất lượng cao cho chính địa bàn Thủ đô.

Thành phố triển khai xây dựng nông thôn mới với tốc độ khá nhanh. Đến nay, 15/18 huyện, thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (còn 3 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì đang thẩm định, hoàn thiện hồ sơ); tất cả 382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại; các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống được lưu giữ và phát huy.

Thành phố đã huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hoàn thành xây dựng 10.000 nhà ở cho người có công, hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 7.565 nhà ở cho hộ nghèo.

Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Thủ đô năm 2022 giảm còn 0,095%. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 92,9% dân số. Thành phố hỗ trợ hơn 515 nghìn người bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, tổng số tiền là 608,5 tỷ đồng.

Các nhu cầu thiết yếu về điện, nước sạch, vệ sinh môi trường được đảm bảo; cảnh quan đô thị, diện tích cây xanh, công viên được cải thiện. Công tác dân tộc được quan tâm, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển đồng bộ, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt; từ năm 2018 không còn xã, thôn diện đặc biệt khó khăn.

Thành phố quan tâm đầu tư, thực hiện đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn đã hoàn thành.

Việc hoàn thành các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và trục hướng tâm; các tuyến đường vành đai; các tuyến đường kết nối trong nội đô; các cầu lớn vượt sông; các nút giao, cầu vượt cho người đi bộ; 1 tuyến đường sắt đô thị; hạ tầng giao thông đường thủy; hạ tầng giao thông tĩnh; hạ tầng vận tải công cộng bằng xe buýt… giúp cho sự kết nối, giao thương giữa các vùng và thành thị ngày càng thuận tiện.

Năm 2020, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn Thủ đô đạt 23.395 km (tăng 3.683 km so với năm 2010); tỷ trọng diện tích đất dành cho giao thông trên đất đô thị đạt 10,07%. Hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Cải thiện đời sống văn hóa tại cơ sở

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, thành phố luôn chú trọng tới việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng tiếp tục phát triển, lan tỏa tới từng thôn xóm, phố phường, tạo sức hút cho chính chủ thể tham gia là người dân.

Hoạt động giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế được mở rộng; nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, uy tín, chất lượng cao được tổ chức tại Thủ đô, có sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh Thủ đô đối với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, thành phố xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Hà Nội phát triển văn hóa đọc, tổ chức phố sách, khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng), trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật của Thủ đô; xây dựng các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa dần đi vào thực chất.

Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều tiến bộ. Việc ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng tạo được chuyển biến từ nhận thức đến hành động, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thể dục, thể thao được đẩy mạnh, Hà Nội giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao, giành nhiều huy chương quốc tế nhất cho thể thao Việt Nam; thể thao quần chúng tiếp tục phát triển. Tại SEA Games lần thứ 31 và 32, Đoàn thể thao Hà Nội đạt thành tích ấn tượng, đóng góp gần 1/3 tổng số huy chương toàn đoàn Việt Nam.

Thực hiện đột phá về phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt kết quả quan trọng. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 2 sớm hơn mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia hiện nay đạt 72,3%. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng, đóng góp ngày càng quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên địa bàn Thủ đô hiện có 362 cơ sở dạy nghề, tăng 110 cơ sở so với năm 2010; số học viên hàng năm đạt trên 200.000.

Số trường Cao đẳng là 67 cơ sở, tăng 47 cơ sở so với năm 2010; đào tạo hàng năm cho khoảng 50 ngàn sinh viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng tăng, đến hết năm 2022 đạt 72,2%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 51,2%.

Thành phố chăm lo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đầu tư nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế, trên địa bàn hiện có 82 bệnh viện do Hà Nội quản lý (tăng 27 cơ sở so với năm 2010); nâng cao y đức và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế.

Hà Nội tích cực triển khai mô hình Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình và lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Công tác quản lý y, dược, y tế dự phòng tiếp tục được tăng cường và từng bước đổi mới. Thành phố thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố có kiểm soát.

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có bước tiến bộ rõ rệt; tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh đạt trên 85%. Tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội đạt trên 75,5 tuổi, cao hơn mức chung của cả nước 1,8 tuổi, tăng 0,6 tuổi so với năm 2009.

Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư 3 lĩnh vực: Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, cơ sở y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. Những vấn đề trên đã được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đưa vào các chương trình, kế hoạch để thực hiện tốt hàng năm./.

>>>Bài cuối - Xây dựng, phát triển Thủ đô đa dạng, xứng tầm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục