Alibaba mở rộng hoạt động tại thị trường Italy

08:17' - 22/01/2019
BNEWS Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) sẽ chính thức hiện diện tại thị trường Italy vào cuối tháng 3/2019 với trang bán hàng điện tử quốc tế AliExpress.

Đây là thông tin mà đại diện của AliExpress chia sẻ với hãng Thông tấn Nhà nước Italy ANSA.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ông Wang Mingqiang, Tổng giám đốc của AliExpress, cho biết với chiến lược kinh doanh điện tử “Mua hàng của toàn thế giới; bán đi khắp thế giới”, AliExpress đánh giá thị trường Italy cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây như “đột phá khẩu” trong việc phân phối hàng hóa vào thị trường Italy đầy tiềm năng, cũng như ra thế giới.

Ông Wang nhận định: “Trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, Italy sẽ trở thành thị trường trọng điểm tiêu thụ, phân phối hàng hóa kể cả tại châu Âu, cũng như thế giới, hứa hẹn doanh thu lên đến hàng tỷ euro".

AliExpress đánh giá rằng điểm mạnh của thị trường Italy chính là tính đa dạng, linh hoạt của các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh gia đình, đa quốc tịch với các sản phẩm thủ công, thời trang, dệt may và nội thất chất lượng, sáng tạo nhưng giá cả phải chăng.

Bên cạnh đó, những thói quen tiêu dùng tại Italy cũng đang dần thay đổi cùng thế hệ trẻ. Nói cách khác, Italy là một thị trường có đầy đủ yếu tố “glocal”, kết hợp hài hòa giữa xu thế toàn cầu và những lợi thế địa phương.

Ông Wang cũng cho biết nhờ vào việc cải thiện dịch vụ, trí tuệ nhân tạo và thuật toán xử lý được khối lượng dữ liệu lớn hơn, lượng khách hàng của AliExpress năm 2018 đã đạt 150 triệu người, so với 100 triệu năm 2017.

Theo ông Wang, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gây ra những cản trở tiêu cực cho kinh tế thế giới, giải pháp của AliExpress là phải tiếp cận sát sao giữa người bán và người tiêu thụ; góp phần tạo ra việc làm và những doanh nghiệp mới.

Trong giai đoạn thử nghiệm kỹ thuật, AliExpress đang sử dụng khoảng hơn 100 nhân viên bán hàng và con số này có thể lên đến hàng nghìn vào năm 2020 và lên đến 100.000 nhân viên trong tương lai xa hơn. AliExpress cũng có dự định phối hợp với các phòng thương mại, trường đại học để đầu tư vào đào tạo, thiết lập các cơ sở hạ tầng về thương mại điện tử./.

Xem thêm:

>>Alibaba “đánh thức” tiềm năng của giới tiêu dùng Trung Quốc (Phần 1)

>>Alibaba “đánh thức” tiềm năng của giới tiêu dùng Trung Quốc (Phần 2)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục