Anh hối thúc Meta không triển khai công nghệ mã hóa đầu cuối trên Messenger và Instagram

10:19' - 25/09/2023
BNEWS Meta đang lên kế hoạch áp dụng công nghệ bảo mật này đối với các tin nhắn trực tiếp trên Messenger và Instagram.

Giới chức Anh đã hối thúc Meta không triển khai công nghệ mã hóa đầu cuối trên ứng dụng Instagram và Facebook Messenger, mà không có biện pháp đảm bảo an toàn để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị lạm dụng tình dục.

 

Sau khi triển khai tin nhắn mã hóa trên ứng dụng chia sẻ tin nhắn WhatsApp, Meta đang lên kế hoạch áp dụng công nghệ bảo mật này đối với các tin nhắn trực tiếp trên Messenger và Instagram, cho rằng biện pháp này sẽ giúp củng cố an toàn và an ninh. Đây là dịch vụ chỉ cho phép người gửi và người nhận truy cập được nội dung.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman khẳng định ủng hộ công nghệ mã hóa cho người dùng trực tuyến, song nhấn mạnh không thể đánh đổi công nghệ này với an toàn của trẻ em. Theo bà Braverman, Meta đã thất bại trong việc đảm bảo các nền tảng mạng xã hội của họ ngăn ngừa những kẻ lạm dụng tình dục. Bà kêu gọi Meta phát triển các cơ chế an toàn phù hợp song song với kế hoạch áp dụng công nghệ mã hóa đầu cuối.

Cả bà Braverman và Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề an ninh Tom Tugendhat đều hối thúc Meta (công ty sở hữu mạng xã hội Facebook, Instagram và WhatsApp) hợp tác với nhà chức trách để đảm bảo cảnh sát có thể truy cập dữ liệu.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách các mối đe dọa chung của Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh (NCA) James Babbage cảnh báo kế hoạch của Meta có thể giảm đáng kể năng lực tập thể của cơ quan này trong công tác bảo vệ trẻ em. Ông nêu rõ nhà chức trách không yêu cầu quyền tiếp cận mới hoặc bổ sung cho lực lượng thực thi luật pháp, mà chỉ muốn Meta duy trì phối hợp để xác định và giúp ngăn ngừa các vụ lạm dụng.

Đáp lại, người phát ngôn của Meta nhấn mạnh hiện phần lớn người dân Anh đã phụ thuộc vào các ứng dụng sử dụng công nghệ mã hóa để đảm bảo an toàn trước tin tặc, những kẻ lừa đảo và tội phạm. Hãng cũng thông báo sẽ cập nhật các biện pháp hiện nay, chẳng hạn như hạn chế người trên 19 tuổi nhắn tin cho các thanh thiếu niên mà họ không theo dõi trên mạng, đồng thời sử dụng công nghệ để nhận dạng và có hành động chống lại hành vi ác ý.

Người phát ngôn khẳng định với công nghệ mã hóa đầu cuối, Meta kỳ vọng sẽ tiếp tục cung cấp thêm các báo cáo cho lực lượng thực thi pháp luật trong nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng.

Các mạng xã hội sẽ đối mặt với yêu cầu khắt khe hơn để bảo vệ trẻ em khỏi nội dung độc hại, khi Dự luật An toàn trực tuyến chính thức được ban hành vào ngày 19/9. Công nghệ mã hóa đầu cuối là vấn đề tranh cãi chính giữa các công ty và chính phủ trong luật mới.

Các nền tảng nhắn tin, trong đó có WhatsApp phản đối điều khoản mà họ cho rằng có thể buộc họ phải bỏ mã hóa đầu cuối.

Về phần mình, Chính phủ Anh khẳng định dự luật không cấm công nghệ này, nhưng đòi hỏi các công ty phải có hành động ngăn lạm dụng trẻ em và coi việc phát triển công nghệ quét tin nhắn mã hóa là biện pháp cuối cùng.

Các công ty công nghệ cho rằng việc quét các tin nhắn và công nghệ mã hóa đầu cuối về cơ bản là không tương thích./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục