Ba điểm nóng chống lạm phát của châu Âu

06:30' - 23/02/2024
BNEWS Kịch bản cắt giảm lãi suất được cho là sẽ xuất hiện vào năm 2024 do giá ở Eurozone đã chững lại. Tại ECB, các thống đốc đang tập trung xem xét để quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai.

Lạm phát đang bắt đầu giảm đáng kể. Sau khi tăng nhẹ vào cuối năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2024 tại Pháp đã chững lại ở mức 3,1% so với mức 3,7% của tháng 12 năm ngoái. Theo giải thích của Tổng giám đốc Cơ quan Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Pháp (INSEE) Jean-Luc Tavernier, sự chậm lại này không liên quan đến lĩnh vực dịch vụ mà liên quan đến tất cả các loại hàng hóa chính, bao gồm sản phẩm tiêu dùng, năng lượng, thực phẩm.

Tất nhiên, ngay cả khi sự sụt giảm về giá được ghi nhận trong những tháng qua, giá cả nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao do đã tăng mạnh kể từ khi lạm phát bùng phát trở lại vào năm 2021, đặc biệt là giá thực phẩm”.

Tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), căng thẳng về giá cũng sẽ giảm bớt. “Giảm phát sẽ khôi phục sức mua cho các hộ gia đình, đồng thời mở đường cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Cuộc tranh luận về việc cắt giảm lãi suất cuối cùng đã được mở ra tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và chúng tôi nghĩ rằng vấn đề này có thể sẽ được quyết định vào giữa năm nay”, nhà kinh tế trưởng của ODDO BHF Bruno Cavalier nhận định.

Đối với các thống đốc ngân hàng trung ương châu Âu, điều này sẽ giúp họ giải tỏa căng thẳng. Bà Christine Lagarde thông báo rằng “sự thay đổi tiếp theo về lãi suất sẽ là giảm lãi suất”. Theo một nhà quan sát hậu trường tại ECB, cuộc họp hội đồng quản trị gần đây nhất vào tháng 1 đã “diễn ra trong hòa bình”, và “không có sự chia rẽ”.

Tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra lạc quan về giá cả. Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas giải thích trong một bài viết trên blog cá nhân của ông khi tổ chức này đưa ra những cập nhật mới nhất về các dự báo kinh tế vĩ mô. Ông cho rằng: “Giảm phát có thể xảy ra nhanh hơn dự kiến, đặc biệt nếu căng thẳng trên thị trường lao động và nỗi lo lạm phát tiếp tục giảm, cho phép các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách sớm hơn”. Do đó trong thời gian tới, ECB sẽ phải theo dõi sát sao và xem xét kỹ lưỡng ba điểm nóng, đó là biến động về tiền lương, lạm phát giảm và tác động của chính sách tiền tệ.

Sự phát triển của tiền lương ở châu Âu được các ngân hàng trung ương đặc biệt quan tâm để xác định sự phát triển của chính sách tiền tệ. Trong cuộc họp gần đây nhất của các Thống đốc tại Frankfurt, ECB nhấn mạnh rằng tăng trưởng tiền lương sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định có nên cắt giảm lãi suất hay không.

Giá cả tăng vọt ở “Lục địa Già” kể từ năm 2022 đã khiến ngân sách hộ gia đình chịu áp lực. Kết quả là tiền lương thực tế có xu hướng giảm vào năm ngoái.

Nhà kinh tế Bruno Cavalier của ODDO BHF giải thích trong một ghi chú gần đây: “Ở châu Âu, tiền lương thực tế tiếp tục giảm trong hầu hết năm 2023, nhưng với tốc độ ngày càng chậm hơn. Ở Pháp, mức lương tính bằng đồng euro (đã có tính đến lạm phát) đã giảm ở hầu hết các hạng mục xã hội-nghề nghiệp vào năm 2023, theo dữ liệu gần đây từ Tổng cục Thống kê của Bộ Lao động (Dares).

Nhà kinh tế Bruno Cavalier giải thích: “Nếu không có vòng lặp giá - tiền lương ở đỉnh điểm của cú sốc lạm phát, sẽ khó mà hiểu được tại sao điều này lại xảy ra vào lúc này”.

Theo dữ liệu mới nhất của Banque de France, mức lương được thương lượng trong các công ty như một phần của cuộc đàm phán bắt buộc hàng năm (NAO) cho thấy mức tăng cao nhất đạt được đến cuối năm 2022 là 5,4%, sau đó giảm dần cho đến cuối quý III/2023 xuống 4,9%. “Tăng lương đang chậm lại một chút nhưng vẫn khá năng động vì các cuộc đàm phán dựa trên lạm phát trong quá khứ. Mức tăng lương bình quân đầu người vào giữa năm 2024 sẽ là +2,6%”, chuyên gia Dorian Roucher, người đứng đầu bộ phận kinh tế của ngân hàng, giải thích.

“Ở Pháp, trong khu vực công, mức lương bình quân đầu người tăng trưởng với tốc độ tương tự, nhưng thấp hơn một chút so với khu vực tư nhân (+4,0% vào năm 2023), đặc biệt là do các biện pháp phân loại có lợi cho giáo viên và việc đánh giá lại điểm chỉ số từ ngày 1/7/2023. Vào đầu năm 2024, các biện pháp mới đã được thực hiện và mức độ tiến triển sẽ vẫn thấp hơn một chút so với khu vực tư nhân. Mức tăng lương bình quân đầu người vào giữa năm sẽ là +1,9%”, chuyên gia này nói thêm.

Tính trung bình, việc tăng lương chủ yếu được hỗ trợ bởi cơ chế chỉ số lương tối thiểu ở Pháp. Trên thực tế, hệ thống này đã cho phép hạn chế hạn chế thiệt hại cho ví tiền của những người có thu nhập khiêm tốn nhất. Ngược lại, những đối tượng khác lại bị sụt giảm lương do điều chỉnh theo lạm phát. Nhưng về tổng thể đến năm 2024, mức tăng lương dự kiến sẽ được đẩy mạnh. Nhà kinh tế Ruben Nizard của Coface nhấn mạnh: “Thị trường lao động không cho thấy bất kỳ rủi ro nào về vòng lặp giá-tiền lương”.

Lạm phát cơ bản cũng là một chỉ số được các ngân hàng trung ương theo dõi chặt chẽ. Ở “Lục địa Già”, lạm phát không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm sẽ phải được duy trì ở mức 2,7% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025, so với 5% vào năm 2023, theo Eurosystem. Tuy nhiên, những dự báo này phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế. Một cú sốc mới có thể khiến chỉ số giá chung tăng vọt.

“Đến tháng Sáu, lạm phát cơ bản sẽ giảm đáng kể giống như lạm phát chung (dự kiến là 2,1% đối với lạm phát cơ bản so với 2,6% đối với lạm phát chung). Sự suy giảm này đặc biệt được giải thích là do lạm phát dự kiến của các sản phẩm thực phẩm (không bao gồm chi phí) cũng như các sản phẩm sản xuất sẽ giảm”, chuyên gia Dorian Roucher chỉ ra.

Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục tác động tới lạm phát và nền kinh tế. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế về thời gian điều chỉnh sẽ dao động trong khoảng từ 12 đến 18 tháng.

Vào năm 2023, lãi suất tăng và điều kiện tài chính thắt chặt đã “bóp nghẹt” hoàn toàn lĩnh vực bất động sản và xây dựng, đặc biệt là ở Đức và Pháp. Việc cấp giấy phép xây dựng bị sụt giảm và các hoạt động xây dựng lao dốc xuống mức thấp lịch sử. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng đè nặng lên nhu cầu ở Eurozone và Pháp. Giảm phát đang diễn ra sẽ mang lại không gian dễ chịu hơn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình nhưng thiệt hại có thể sẽ để lại dấu ấn sau vài năm xảy ra đại dịch.

Ở châu Âu, Đức đang phải gánh chịu hậu quả của việc thắt chặt chính sách tiền tệ và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đối với Pháp, tăng trưởng GDP đang có dấu hiệu chững lại. Do đó, INSEE và Banque de France đang trông chờ vào sự phục hồi chậm chạp trong hoạt động kinh tế của năm 2024. Sau khi thoát khỏi suy thoái, kinh tế Pháp đang nỗ lực cất cánh. Nhưng hậu quả của chính sách tiền tệ hạn chế này có thể sẽ kéo dài.

Theo tạp chí La Tribune của Pháp, nhìn lại các chỉ số được giám sát bởi các ngân hàng trung ương, có thể thấy ba điểm nóng mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải theo sát vào năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục