Bà Rịa-Vũng Tàu kết nối sản xuất, chế biến với tiêu thụ nông sản

18:45' - 21/10/2022
BNEWS Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực.

Ngày 21/10, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Cơ quan phía Nam – Hội Làm vườn và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức hội nghị Kết nối sản xuất, chế biến với tiêu thụ nông sản.

 

Hội nghị có sự tham gia của sở, ngành, hiệp hội và đại diện của hơn 60 doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh và hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ các tỉnh thành phía Nam.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”).

Đồng thời, khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường xuất khẩu với chuỗi giá trị trong và ngoài tỉnh hướng đến toàn toàn cầu; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cho hay, thời gian qua, đơn vị cũng đã phối hợp cùng các ngành chức năng đẩy mạnh việc thực hiện cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đáp ứng thị trường và thông lệ quốc tế của nước nhập khẩu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 vùng trồng với diện tích 495 ha và 2 vùng đóng gói với diện tích 407ha đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, Australia, EU, Trung Quốc của các sản phẩm nhãn, chuối, bưởi hữu cơ..

Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cũng đã thông tin tới các doanh nghiệp về tổng quan về tình hình sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể như: Về công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương, tỉnh đã xây dựng được các chỉ dẫn địa lý cho các loại sản phẩm như: nhãn xuống cơm vàng, mãng cầu dai, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, ca cao, hồ tiêu, lúa gạo, ….

Nhờ đó, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản trở nên thuận lợi đưa các sản phẩn nông sản của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành được các vùng sản xuất liên kết trên các sản phẩm như hồ tiêu, rau, lúa gạo,… một số sản phẩm như hồ tiêu, ca cao, cà phê, nhàu,... bước đầu tiếp cận các thị trường xuất khẩu và đang khẳng định vị trí của mình ở thị trường trong và ngoài nước.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết với các hợp tác xã và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại cây trồng, gồm: hồ liêu, lúa, ca cao, rau các loại, cây ăn quả, cây dược liệu với tổng diện tích 16.340,53 ha. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt ngày càng được quan tâm phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 434 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 5.640 ha.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đã cùng nhau chia sẻ về các giải pháp kết nối, tiêu thụ nông sản; những kinh nghiệm trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhân dịp này, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã trưng bày các sản phẩm đang sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã giao lưu giới thiệu các sản phẩm, lĩnh vực đang sản xuất; tìm kiếm các vùng trồng, sản phẩm chất lượng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục