Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục đối mặt với khó khăn

11:49' - 23/06/2021
BNEWS Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay thì nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án nghỉ dưỡng đang gặp khó khăn trong việc phát triển phân khúc căn hộ khách sạn (condotel).

Theo Công ty cổ phần  DKRA Việt Nam, trong quý II/2021, nguồn cung mới condotel tăng so với quý I, dao động khoảng 800 – 1.000 căn. Trong số đó, phần lớn các dự án tập trung ở thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Quốc (Kiên Giang).

Báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng quý I/2021 cũng thấy, mặc dù thanh khoản kém nhưng cả nước vẫn có 5.180 căn hộ du lịch được cấp phép, tập trung chủ yếu tại Hưng Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay thì nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án nghỉ dưỡng đang gặp khó khăn trong việc phát triển phân khúc căn hộ khách sạn (condotel). Không riêng gì chủ đầu tư lớn, các nhà đầu tư thứ phát hay khách hàng cá nhân đã đổ vốn vào năm phân khúc này cũng gặp khó khăn tương tự. Trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin rao bán loại căn hộ này với giá thấp, thậm chí cắt lỗ sâu. 

Trên thị trường thứ cấp, hiện tượng cắt lỗ căn hộ nghỉ dưỡng xảy ra khá phổ biến. Tình trạng rao bán cắt lỗ diễn ra ở tất cả các thị trường nghỉ dưỡng từ những điểm mới phát triển vài năm gần đây như Quy Nhơn, Ninh Thuận, Phan Thiết… cho đến các khu vực trọng điểm về du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam)...

Trên thực tế, những nơi thường xuyên dẫn đầu và phát triển mạnh về nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Khánh Hòa, Bình Thuận,... thì trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây đều không ghi nhận nguồn cung mới và lượng tiêu thụ vẫn khá thấp. Các giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án mới mở bán trong quý. 

Để thúc đẩy giao dịch trong phân khúc này, một số chủ đầu tư lớn đã phải thay đổi chiến lược bán condotel. Theo đó, thay vì bán những căn hộ hình thành trong tương lai vào năm ngoái thì các chủ đầu tư tiếp tục xây dựng và hoàn thiện xong sản phẩm cũng như những tiện ích hạ tầng rồi mới tung hàng ra bán. Thế nhưng, lượng giao dịch cũng chưa tốt như kỳ vọng.

Một môi giới chia sẻ, việc kết nối khách giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng mà đặc biệt là condotel hiện nay rất khó khăn. Kết quả thanh khoản rất thấp. Một yếu tố trở ngại nữa là tại nhiều dự án, các chủ đầu tư vẫn muốn giải quyết nốt sản phẩm còn tồn đọng - là những căn condotel "kém đẹp" nên khách mua càng không "mặn mà". Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay chủ yếu giao dịch là các sản phẩm thấp tầng như shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng…

Theo các chuyên gia, trong khi thị trường du lịch vẫn đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 thì những phân khúc phục vụ nhu cầu để ở sẽ có tính ổn định cao hơn, còn bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục gặp khó. Ở giai đoạn này, những khách hàng đã đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng kỳ vọng và gửi niềm tin vào thương hiệu quản lý vận hành quốc tế 5 sao hơn là những chương trình cam kết lợi nhuận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục