Bất động sản tăng giá nhờ “ăn theo” hạ tầng

17:12' - 24/03/2017
BNEWS Mặc dù các chuyên gia cảnh báo về một số bất lợi khi ở gần các tuyến đường sắt cao tốc nhưng ưu điểm vẫn lấn át bởi hạ tầng sẽ giúp tăng giá trị bất động sản, nhất là tại các vị trí gần trạm dừng.

Yếu tố hạ tầng có tác động đến bất động sản, nhất là ở những vị trí “điểm nút” – đây là một trong những nội dung được đề cập đến trong buổi họp báo của Công ty TNHH CBRE tổ chức tại Hà Nội ngày 24/3.

Theo bà Nguyễn Bích Trang – Giám đốc bộ phận cho thuê văn phòng thị trường Hà Nội của Công ty TNHH CBRE, từ năm 2016, các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận sự chuyển biến lớn trong phát triển giao thông. Từ việc khẩn trương hoàn thiện để đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị trên cao cho đến việc thử nghiệm xe buýt nhanh BRT.

CBRE giới thiệu giá trị và lợi ích của hạ tầng đối với bất động sản. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Khảo sát thực tế của CBRE cho thấy, mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư khu vực nội đô thành phố lớn trong phát triển dự án là khả năng lưu thông. Trong khi phương tiện đi lại cá nhân đang áp đảo hệ thống giao thông công cộng vốn kém phát triển đã gây khó khăn cho các đô thị.

Bàn về tác động của hạ tầng, nhất là tuyến đường sắt đô thị, các chuyên gia của CBRE dẫn chứng, đường sắt trên cao được phát triển tại Thái Lan từ năm 1999 và tạo nên một sự sôi động lớn hơn rất nhiều cho các khu vực bám dọc nơi tuyến tàu chạy qua.

Phân khúc “phản ứng” mạnh nhất với sự phát triển của mạng lưới tàu trên cao, đường sắt đô thị là căn hộ chung cư. Điển hình như tại Jakarta (Indonesia), mặc dù phải đến tận tháng 1/2019 hệ thống tầu điện MRT mới đi vào hoạt động nhưng giá đất dọc tuyến, nhất là điểm gần ga đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn thời điểm cũng rất quan trọng, hãy quan tâm đến giá và đầu tư bất động sản khi chắc chắn cả ga và đường tàu đều đã được lắp đặt.  

Tại Hà Nội, tuyến đường sắt trên cao đầu tiên khi hoàn thiện sẽ kết nối khu dân cư đông đúc Hà Đông với cửa ngõ trung tâm Cát Linh, giúp lưu thông nội đô dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Với cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện, bao gồm cả ga Cát Linh, thì đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư quyết định mua hoặc thuê các bất động sản dọc tuyến này.

Đầu máy đầu tiên được đưa từ bãi tập kết trong khu đô thị Văn Phú tới ga La Khê. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Với tuyến metro tại thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận thay đổi nhất là địa bàn Quận 2 với hàng trăm dự án từ cao cấp đến bình dân đã “đón lõng” để hưởng lợi. Điều này cũng rất phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.

Mặc dù các chuyên gia cũng cảnh báo về một số bất lợi khi ở gần các tuyến đường sắt cao tốc như tiếng ồn, giao thông khó khăn với các điểm gần nút… nhưng dường như ưu điểm vẫn lấn át. Bởi các tuyến tầu điện nội đô sẽ hỗ trợ tăng giá trị bất động sản, nhất là tại các vị trí gần trạm dừng.

Một số quốc gia đã ghi nhận tỷ lệ giá trị gia tăng rất lớn. Với đất nước sử dụng tầu điện ngầm từ khoảng 40 năm trước như Vương quốc Anh thì với các tuyến mới hình thành thêm vẫn có giá trị gia tăng khoảng 2%. Trong khi đó, mức độ gia tăng được ghi nhận ở thành phố Dallas (Mỹ) lại lên tới tới 25%.

Điều này cho thấy, sự tăng giá của bất động sản “ăn theo” hạ tầng còn tùy thuộc vào từng địa bàn và thành phố. Nhưng một điều chắc chắn là các tuyến đường sắt đô thị, tàu cao tốc… không những giúp cải thiện giao thông mà còn giúp chủ đầu tư bất động sản được hưởng lợi từ giá trị gia tăng mà hạ tầng phát triển đem lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục