Bất động sản xanh hướng tới mục tiêu Net Zero

16:38' - 30/10/2023
BNEWS Theo các nghiên cứu gần đây của các tổ chức môi trường, tư vấn bất động sản, bất động sản đang là lĩnh vực chiếm đến 38% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Điều này thúc đẩy nhu cầu cải tạo, tái phát triển các tòa nhà cũng như yêu cầu phát triển bất động sản xanh sẽ tăng theo để đạt được mục tiêu bền vững, hướng đến mục tiêu Net Zero trong thời gian tới.

 

Những tài sản bất động sản có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, tích hợp thiết lập năng lượng tái tạo sẽ giảm đáng kể lượng khí thải, tạo ra các cộng đồng thân thiện với môi trường hơn và được công nhận.

Hiện nay, có nhiều loại chứng chỉ có thể được cấp cho các tòa nhà văn phòng, chung cư, khu công nghiệp có thiết kế và vận hành theo một danh sách các tiêu chí xanh, có thể kể đến chứng chỉ Công trình xanh như LEED (thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường), BREEAM (chương trình chứng nhận xây dựng xanh tại Vương quốc Anh), Green Globes (chương trình chứng nhận xây dựng xanh được phát triển tại Canada)...

Theo Cushman & Wakefield, chứng nhận công trình xanh được thiết kế hoặc vận hành theo cách phù hợp với các tiêu chí bền vững được phát triển độc lập, mang lại lợi ích cho người sử dụng, xã hội và môi trường. Ngoài ra, các chứng nhận này đóng vai trò như một lớp minh bạch và trách nhiệm bổ sung để thông báo cho các nhà đầu tư và người thuê về hiệu suất ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) của một tài sản.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam chia sẻ, bất động sản xanh không chỉ gói gọn trong chứng chỉ xanh và Net Zero mà còn có tác động tích cực dài hạn bởi lẽ ‘tuổi thọ’ của bất động sản có thể kéo dài hàng trăm năm. Hiện 80% nguồn cung tòa nhà hiện hữu trên toàn cầu sẽ tiếp tục được sử dụng đến năm 2050. Vì vậy, nhu cầu cải thiện chỉ số xanh cho các tòa nhà đang vận hành sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Hướng tới mục tiêu vượt qua tiêu chuẩn Net Zero, nhà đầu tư hiện nay cần phải vượt xa việc đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 để mang lại lợi ích ròng tích cực. Bằng cách kết hợp thiết kế bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và không gian hòa nhập.

Ông Matthew Clifford, Giám đốc Phát triển bền vững & ESG của Cushman & Wakefield khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, hầu hết các nhà đầu tư đều đang phải trải qua nhiều thử thách để đạt được mục tiêu Net Zero. Nhóm doanh nghiệp cam kết mục tiêu vào năm 2030 bắt đầu nhận ra rằng thời gian không còn nhiều.

Từ nghiên cứu của mình, Cushman & Wakefield đề xuất 6 chiến lược nhằm thực hiện phát triển bất động sản xanh gồm thiết kế bền vững; chú trọng yếu tố nhân sinh; giá trị công bằng, đa dạng và hòa nhập trong cộng đồng; dữ liệu, công nghệ, chính sách và quy định; kiến trúc tái tạo.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều nguồn vốn từ nước ngoài, các tài sản thiếu tính bền vững sẽ bị giảm tính cạnh tranh và có nguy cơ lỗi thời bởi những thước đo bất động sản xanh ngày càng khắt khe. Ngay bây giờ, nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh gắn liền với giá trị dài hạn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho xã hội và môi trường - bà Trang Bùi cho biết.

Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Savills, nhận thức được vai trò then chốt của bất động sản trong việc chống biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp bất động sản ở châu Á - Thái Bình Dương đang bắt đầu coi trọng ESG hơn. Các thị trường lớn trong khu vực như Austria, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, New Zealand và Singapore đang dẫn đầu về những đổi mới về ESG trong khu vực.

Theo sau là Trung Quốc và Việt Nam với những tiến bộ ấn tượng trong thời gian gần đây. Những thách thức như phương pháp tính toán, chi phí vốn, chính sách hỗ trợ và khả năng tiếp cận vật liệu xây dựng bền vững đang phần nào cản trở sự phát triển phổ biến của xu hướng này.

Các chuyên gia cho rằng, châu Á - Thái Bình Dương cần ưu tiên tính bền vững trong phát triển bất động sản vì khu vực này chiếm tới 20 trên tổng số 36 siêu đô thị của thế giới. Dân số đô thị dự kiến sẽ tăng 52% vào năm 2050, điều này sẽ khiến nhu cầu bất động sản tăng mạnh. Cung và cầu lớn hơn đặt ra những thách thức và cơ hội cho những nỗ lực phát triển bền vững trong khu vực. Công việc phải được thực hiện để đảm bảo cơ sở hạ tầng đô thị mở rộng và giảm lượng khí thải carbon đồng thời.

Thống kê của Công ty Savills Việt Nam cũng ghi nhận, Việt Nam đang có những bước tiến trong chứng nhận công trình xanh, với 20 tòa nhà văn phòng hiện đang có chứng nhận LEED hoặc Green Mark; trong đó 17 dự án tại Tp. Hồ Chí Minh, chiếm khoảng 25% nguồn cung văn phòng hiện có. Dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 31% vào năm 2026, khi có 4 dự án mới cung cấp tới 164.000 m2 văn phòng xanh sẽ được bàn giao từ năm 2024 đến năm 2026.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục