Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu tập thể

14:31' - 29/05/2017
BNEWS Bên hành lang Quốc hội ngày 29/5, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề về Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).
Phiên toàn thể tại hội trường Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: An Đăng -TTXVN
Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Tôi cho rằng, việc Quốc hội đang thảo luận Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là rất cần thiết và cấp bách. Trong thời gian này, Quốc hội cũng sẽ thảo luận Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Bên cạnh đó, nợ công của nước ta trong thời gian qua tăng rất nhanh, vậy lấy gì đảm bảo cho nợ công, đó chính là tài sản công. Do đó, nếu chúng ta nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công sẽ là cơ sở đảm bảo cho việc hoàn trả và giảm nợ công.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Trung/BNEWS
Các đại biểu Quốc hội cũng đã bàn thảo rất chi tiết, làm thế nào để quản lý, sử dụng, khai thác một cách hiệu quả tài sản công và phù hợp với công năng mà mục tiêu ban đầu đã đề ra. Trong đó, có trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý tài sản công.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải thống kê, đánh giá được tài sản công hiện này đang nằm ở đâu và cơ quan quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào. Ai là người quản lý cụ thể, trực tiếp tài sản công đó, từ đó mới có thể đánh giá, đo lường được hiệu quả quản lý tài sản công.

Ngoài ra, cần có một cơ quan để đánh giá lại và Quốc hội sẽ tham gia giám sát việc sử dụng tài sản công đó. Có như vậy, mới tiết kiệm được tiền đã đầu tư, giảm bớt gánh nặng đầu tư công, chi tiêu công mà hiện nay đang làm nợ công ngày càng tăng cao.

Đặc biệt, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý tài sản công đã được Nhà nước bàn giao. Gắn với đó, cần phải có các điều khoản, luật một cách rõ ràng. Tài sản công phải được công khai để người dân biết được đâu là tài sản công, đâu là tài sản tư, tài sản liên doanh liên kết, cũng như việc sử dụng tài sản công đó.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Liệt kê một cách rõ ràng

Theo tôi, trách nhiệm của người đứng đầu đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước. Do đó, việc gắn trách nhiệm với người đứng đầu là chủ trương đúng đắn, không có gì mới. Nhưng lâu nay cách quản lý vẫn theo Nghị quyết tập thể, phân cấp, xây dựng quy trình.

Việc quản lý tài sản công là hết sức quan trọng, bởi khi xảy ra thất thoát thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Do dó, Luật phải thể hiện rõ, cụ thể, người đứng đầu là như thế nào. Bởi hiện đã có nhiều quyết định thể hiện là tập thể, vậy khi xảy ra vấn đề thì cả tập thể phải chịu trách nhiệm; trong đó, người đứng đầu tập thể đó cũng phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN
Hiện nay, còn quá nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Trong khi đó, tài sản công đối với quốc gia như Việt Nam là rất lớn, nhất là đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, nhiều địa phương không nghiêm túc trong việc quản lý các tài sản này.

Theo tôi, những loại tài sản công phải được liệt kê một cách rõ ràng. Cần phải có một đánh giá nghiêm túc đối với việc này. Do đó, Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) lần này phải làm sao phải khắc phục được những bất cập đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục