Bịt lỗ hổng quản lý vận tải hành khách

06:00' - 03/12/2023
BNEWS Nhiều lỗ hổng trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải khách đã được chỉ ra từ lâu nhưng sau những đợt kiểm tra đột xuất lẫn định kỳ, tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, tồn tại một cách tinh vi hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì trông chờ kiểm tra, các cơ quan quản lý cần thường xuyên rà soát đối với các doanh nghiệp vận tải, nhất là với những đơn vị thường xuyên vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm để nêu gương.

 

Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tính cả đợt tổng kiểm tra đang diễn ra, chỉ riêng kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp vận tải hành khách nói chung đã bị kiểm tra từ 2-3 lần. Đó là chưa kể các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng trên đường, tập trung vào các chuyên đề cụ thể và các đợt kiểm tra của các lực lượng chuyên ngành khác.

Mặc dù vậy, tai nạn giao thông vẫn xảy ra liên quan đến xe kinh doanh vận tải hành khách... Theo chuyên gia giao thông, thực trạng trên cho thấy, việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô còn một số bất cập.

Đơn cử vụ nhà xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu tới 246 lần mà vẫn hoạt động cho thấy việc quản lý nhà nước ở địa phương còn hạn chế, chưa thường xuyên rà soát hệ thống giám sát hành trình. Bởi, theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh khi kiểm tra Công ty TNHH Thành Bưởi (nhà xe Thành Bưởi) đã chỉ rõ, đơn vị này có nhiều trường hợp lái xe vi phạm thời gian lái xe (quá 4 giờ) và vi phạm thời gian làm việc trong ngày (quá 10 giờ)…

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần xem lại camera giám sát hành trình gắn trên xe là có thể phát hiện ra những vi phạm này. Với tình trạng chạy quá tốc độ cũng vậy, các thiết bị kiểm tra tốc độ có thể phát hiện và hình ảnh có thể được đưa ngay về trung tâm xử lý dữ liệu.

Đánh giá về vụ việc này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay: Qua vụ việc trên có thể thấy, việc quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải ở địa phương còn hạn chế. Địa phương chưa thường xuyên rà soát thông tin ghi nhận trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình để chấn chỉnh thông qua việc cấp phù hiệu, biển hiệu và thanh tra kiểm tra hàng năm.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền cũng cho rằng, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức, chưa bố trí người trực, theo dõi, chấn chỉnh với lái xe vi phạm. Trong vụ tai nạn xảy ra tại Đồng Nai, tài xế nhà xe Thành Bưởi dù đã bị tước bằng lái 3 tháng nhưng vẫn chở khách, đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của chủ xe đối với đội ngũ lái xe.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho rằng, quy định hiện hành có lỗ hổng về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu dẫn đến doanh nghiệp không sợ. Tới đây cần hoàn thiện các phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phục vụ tốt việc giám sát trực tuyến thay vì hậu kiểm như hiện nay. Mục đích là cảnh báo trực tiếp tới doanh nghiệp, đặc biệt là gửi trực tiếp các thông tin xe vi phạm đến lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường để ngăn chặn các hành vi vi phạm của tài xế.

“Điều này rất quan trọng và cần làm ngay để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, không để tiếp diễn, chứ không chỉ dùng công nghệ này để phục vụ trích xuất dữ liệu khi tai nạn đã xảy ra”, ông Hùng nhấn mạnh.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận: Tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do mỗi lỗi quản lý nhà nước về hoạt động vận tải. Do vậy, một đợt ra quân mạnh mẽ, quyết liệt “không có ngoại lệ” trong chấn chỉnh hành vi vi phạm giao thông đang được lực lượng công an triển khai trên toàn quốc, kỳ vọng sẽ góp phần lập lại trật tự vận tải.

Cùng với đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét đến cùng trách nhiệm của cá nhân, đơn vị nào để các lỗ hổng trong quản lý, điều hành vận tải tồn tại một thời gian dài như vậy.

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải và Phương tiện người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), để có chế tài mạnh mẽ hơn xử lý các đơn vị vi phạm, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để bổ sung một số chế tài như thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải đối với đơn vị kinh doanh vận tải khi trong thời gian một tháng có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu.

Đặc biệt, thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên. Đối với các trường hợp bị thu hồi, Sở Giao thông Vận tải không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày (60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu đến Sở Giao thông Vận tải.

Đối với trường hợp quá thời hạn trên, đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, Sở Giao thông Vận tải đề nghị cơ quan đăng kiểm cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định; không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 45 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp đủ phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường các đoàn thanh tra định kỳ, đột xuất, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở Giao thông Vận bố trí nhân sự theo dõi, trích xuất dữ liệu hàng ngày, hàng tuần để chấn chỉnh, nhắc nhở đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có vi phạm theo quy định. Đồng thời, tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và công an các địa phương triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Giải pháp quan trọng tiếp theo Cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện đó là khẩn trương ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin; thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ. Một trong những nhiệm vụ lớn đến năm 2025 là phải thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động vận tải phục vụ quản lý nhà nước.

Khi hệ thống xây dựng xong sẽ hình thành cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải dùng chung cho các ngành giao thông vận tải, công an, thuế, hải quan để phục vụ quản lý. Hệ thống sẽ tự động tổng hợp các lỗi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải, xe kinh doanh vận tải, lái xe để hỗ trợ cơ quan quản lý trong thanh tra, kiểm tra, xử phạt nguội đối với các hành vi vi phạm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục