“Bóng ma kỹ thuật số” khiến người lao động lo lắng

11:58' - 22/11/2023
BNEWS Cảm giác bị tước đoạt kinh nghiệm và bí quyết nghề nghiệp là một trong những nguyên nhân gây đau khổ thường xuyên cho những nhân viên mà công việc của họ một phần đã được tự động hóa.

Đối mặt với những dự án tự động hóa lao động, nhất là trong các công việc được hỗ trợ bởi các giải pháp trí tuệ nhân tạo AI, người lao động thường bày tỏ sự lo lắng. Họ sợ bị máy móc thay thế, bị tước đoạt bí quyết cũng như kinh nghiệm làm việc và trở nên vô dụng…

Ngày phát hiện ra những hình ảnh được tạo ra bằng AI, Catherine – nhà thiết kế đồ họa ở Paris - đã không nói nên lời. Câu hỏi nhanh chóng hiện lên trong đầu cô là: “Làm sao chúng ta vẫn có thể tồn tại được khi phải đối mặt với những sáng tạo chất lượng, được sản xuất ngay lập tức và gần như miễn phí này. Catherine cảm thấy không còn tự tin vào chuyên môn của mình.

 
Về mặt tâm lý, điều đó thật tàn khốc, chúng lấy đi sự tự tin. Catherine đã nói rằng cô ấy “bi quan về tương lai nghề nghiệp của mình”.

Cảm giác lo lắng mà Catherine cảm nhận cũng giống với cảm giác khiến Chloé, một giám đốc truyền thông, cảm thấy khó chịu. Chloé nghĩ rằng công việc của mình trong một vài năm nữa sẽ “không còn giá trị”. Đây cũng là điều khiến Pierre, một kế toán viên, nghĩ đến việc thay đổi nghề nghiệp.

Liệu trí tuệ nhân tạo có phải là “con ma kỹ thuật số”, sẽ thu hút việc làm trong một số lĩnh vực hoạt động nhất định không? Câu hỏi này vẫn chưa được trả lời cho đến ngày nay, vì những dự đoán về chủ đề này tỏ ra rất tế nhị. Nhiều tổ chức nhận ra rằng trong lĩnh vực này, sự mơ hồ đã tồn tại trong nhiều tháng nay.

Valérie Decaux, Giám đốc nhân sự của tập đoàn La Poste cho biết: “Tác động trực tiếp của AI đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi vẫn còn bí ẩn cho đến ngày nay”. Các công ty Pháp về cơ bản hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm, và việc sử dụng các công cụ AI tổng hợp để tạo nội dung (chương trình cuộc họp…), mặc dù đã tiến triển nhanh chóng nhưng vẫn có cấu trúc kém.

Tuy nhiên, việc sử dụng các giải pháp dựa trên AI (và nói chung là các công cụ tự động hóa) gây khó khăn cho một tỷ lệ đáng kể nhân viên. Bên cạnh những người tò mò, thậm chí là nhiệt tình, “một số lượng lớn công nhân (3/5 người) cảm thấy lo lắng về khả năng mất việc do AI trong 10 năm tới, đặc biệt là những người đã làm việc trong các ngành công nghệ.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố vào tháng 7/2023, trạng thái này xuất hiện tập trung ở các lĩnh vực tài chính và công nghiệp sản xuất.

Dù là thực tế hay trong suy nghĩ thì nỗi sợ bị máy móc thay thế vẫn tồn tại. Trên thực tế, sự xuất hiện của các công cụ tự động hóa có thể kích hoạt các cơ chế tâm lý khác nhau ở người lao động.

Ví dụ trong ngành công nghiệp, nơi AI đang được thử nghiệm để tự động hóa việc kiểm soát chất lượng của các bộ phận được sản xuất, các nhân viên thường cảm thấy lo lắng hơn khi những công việc của họ đang dần được thay thế bởi máy móc.

Để giải quyết tình trạng này, Yann Ferguson - nhà xã hội học tại cơ quan nghiên cứu Inria và Giám đốc khoa học của phòng thí nghiệm Labour IA - cho rằng cần để con người thực hiện quyền kiểm soát đối với những cỗ máy còn chưa hoàn hảo này. Như vậy, họ mới có cảm giác là đang hoàn thiện cỗ máy và dần quen với việc máy móc sẽ thay thế con người, mặc dù đây là một cảm giác đau đớn. Thứ hai, cần giao cho người lao động những công việc ít hạn chế hơn để giảm căng thẳng và giải quyết những khó khăn này.

Cảm giác bị tước đoạt kinh nghiệm và bí quyết nghề nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây đau khổ thường xuyên cho những nhân viên mà công việc của họ một phần đã được tự động hóa. Đây là điều khuyến khích Giáo sư tại Nhạc viện Thủ công và Nghệ thuật Quốc gia Pháp (CNAM) Marc-Eric Bobillier Chaumon quan tâm không chỉ đến công nghệ mà còn quan tâm đến “những gì chúng ta trở thành thông qua việc sử dụng nó”.

Giáo sư Bobillier Chaumon cho rằng nhân viên vận chuyển có thể có cảm giác bị hạ cấp khi họ được trang bị hệ thống chọn giọng nói chỉ ra tuyến đường ngắn nhất và các sản phẩm cần chọn để phù hợp với công việc của họ; hay bác sĩ phẫu thuật được hỗ trợ bởi robot có nguy cơ mất đi sự khéo léo, rơi vào tình trạng phụ thuộc và cuối cùng là kém tự tin hơn vào khả năng của mình.

Việc có cảm giác bị đẩy khỏi vị trí làm việc của một số nhân viên thuộc những công ty có sử dụng quy trình tự động hóa là điều hiển nhiên. Mathilde Le Coz, Giám đốc Nhân sự tại Mazars lưu ý, đó là bản năng và phản xạ đầu tiên của nhân viên.

Vậy làm thế nào để hỗ trợ người lao động và cố gắng hạn chế tác động của những thay đổi kỹ thuật số đối với sức khỏe tâm thần của họ? Người lao động cần được trấn an, để cho họ thấy rằng nếu họ được miễn một số nhiệm vụ nhất định, họ sẽ có thời gian để hoàn thành những nhiệm vụ khác thú vị hơn.

Việc trấn an nhân viên cũng liên quan đến hệ thống đào tạo để người lao động tiến bộ trong việc làm chủ công nghệ theo nghĩa rộng, vượt xa AI.

Ngoài ra, theo ông Bobillier Chaumon, việc để nhân viên tham gia vào khâu thiết kế và triển khai các dự án công nghệ cũng sẽ có ý nghĩa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục