Brexit: Cơn địa chấn không chỉ riêng nước Anh (Phần 1)

06:30' - 19/01/2019
BNEWS Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May dường như không làm hài lòng cả những người thân châu Âu - ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với EU, cũng như những người hoài nghi châu Âu tại Quốc hội Anh.
Cờ Anh (trái) và cờ EU được treo trên một tòa nhà. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15/1, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà Thủ tướng Theresa May và các lãnh đạo EU đã nhất trí. Thỏa thuận đã bị bác với tỷ lệ 202 phiếu thuận và 432 phiếu chống.
Những kịch bản đáng lưu tâm
- Cố gắng thử lại: Không gì có thể ngăn cản việc Chính phủ Anh tiếp tục gửi lại cùng một thỏa thuận cho đến khi nhận được sự chấp nhận của các nghị sĩ nước này. Đối với Thủ tướng Anh cũng như EU, thỏa thuận "ly dị" ra đời sau một thời gian dài đàm phán là điều duy nhất và cũng là phương án tốt nhất có thể.

Tối 15/1, mặc dù thất bại nặng nề trước Quốc hội, bà May vẫn cảnh báo rằng sẽ "không một sự thay thế nào có thể". Tuy nhiên, bà cũng vẫn đề xuất mở ra các cuộc thảo luận giữa các bên để xác định con đường phía trước.
- "Không thỏa thuận": Thỏa thuận bị từ chối có thể giải quyết các vấn đề về thanh toán hóa đơn mà London phải trả cho EU để tôn trọng các cam kết của mình, xác định các quyền của kiều dân sống tại hai bờ biển Manche và điểm gây tranh cãi nhất là ngăn chặn sự trở lại của một đường biên giới “cứng” giữa Cộng hòa Ireland và vùng Bắc Ireland của Anh.
Sau khi bị Hạ viện từ chối, một trong những tình huống có thể xảy ra là Brexit không có thỏa thuận, điều này đặc biệt gây lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp với nỗi ám ảnh về sự sụp đổ của đồng bảng Anh và tình trạng thất nghiệp tăng vọt.

Sau đó, Anh sẽ ra đi một cách mất trật tự mà không hề có giai đoạn chuyển tiếp nhằm giảm nhẹ cú sốc: quan hệ kinh tế giữa Anh và EU sẽ bị chi phối bởi các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng một loạt biện pháp về kiểm soát thuế quan và các quy chế sẽ được đưa ra một cách khẩn cấp.
Tình trạng thiếu thuốc men, ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các cảng biển, máy bay không được phép hạ cánh, mất tăng trưởng kinh tế... là các khả năng mà những người nhiệt thành ủng hộ Brexit không màng đếm xỉa bởi họ quan niệm "không có thỏa thuận còn tốt hơn là một thỏa thuận xấu" và họ mong muốn một chính sách thương mại độc lập.

Tuy nhiên, mối đe dọa về một Brexit "không thỏa thuận" dường như đã bị các nghị sĩ cản trở vào tuần trước, với việc thông qua một đề xuất yêu cầu chính phủ phải đệ trình từ nay đến ngày 21/1 một "kế hoạch B" có thể giúp thay đổi tình hình.
- Trưng cầu ý dân lần hai:  Khả năng trưng cầu ý dân lần thứ hai, đến nay vẫn bị Thủ tướng Anh loại trừ, đang được những người thân châu Âu và một số chính trị gia đưa ra với hy vọng có thể đảo ngược kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 23/6/2016 và hóa giải tình trạng hiện nay.

Việc xác định các vấn đề được đặt ra đều vẫn đang bỏ ngỏ, chẳng hạn như: Anh sẽ ở lại EU hay thực hiện theo kế hoạch của bà May? Hay sẽ quyết ra đi mà không có thỏa thuận? Không có gì đảm bảo cuộc trưng cầu dân ý mới nếu diễn ra sẽ cho một kết quả khác với kết quả từ cuộc trưng cầu đầu tiên. Nhiều khả năng Công đảng đối lập chính sẽ ủng hộ lựa chọn này nếu phương án tổ chức bầu cử sớm mà họ mong muốn không thành hiện thực.
- Bầu cử sớm: Ngay sau khi thỏa thuận bị từ chối, Công đảng đã trình một bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ, được thảo luận ngày 16/1. Tuy nhiên, dù 100 nghị sĩ Công đảng đã cố gắng lật đổ bà May trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 12/2018, song người ta cũng không thể nói rằng họ đã liên kết phe đối lập nhằm thao túng và khiến bà May mất quyền lực.

Nếu những nghị sĩ Công đảng chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu, họ sẽ tính đến việc đàm phán một thỏa thuận mới với Brussels. Tuy nhiên, Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn cho rằng điều này chắc chắn mất nhiều thời gian, đồng thời đề cập đến khả năng hoãn ngày Anh rời khỏi EU.
- Hoãn thời gian Brexit: Việc hoãn thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, quy định về cách thức ra đi của một quốc gia thành viên EU, đang ngày càng nổi lên như một phương án khả thi nhất. Việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai hoặc một cuộc bầu cử Quốc hội sớm đều sẽ dẫn tới việc lùi thời điểm diễn ra Brexit. Ngày 14/1 vừa qua, 100 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đến từ các nhóm đảng chính trị khác nhau đã cam kết hỗ trợ yêu cầu hoãn Brexit nếu phía London đưa ra.

Tuy nhiên, nếu trường hợp này xảy ra, người ta không thể biết được cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong các ngày 23-26/5 tới sẽ đi theo chiều hướng nào? Theo một nguồn tin ngoại giao, "việc gia hạn Brexit sau ngày 29/3 là có thể nhưng nó không thể vượt quá ngày 30/6 vì đây là thời gian bắt đầu nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu". Về phần mình, Thủ tướng May cho biết phương án hoãn ngày diễn ra Brexit sẽ không xảy ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục