Bước ngoặt của ngành điện Việt Nam–Bài 10: Mâu thuẫn sử dụng điện giữa miền Bắc - miền Nam

16:27' - 07/05/2018
BNEWS Nhu cầu sử dụng điện của nhân dân tăng lên nhanh chóng ở khu vực miền Nam và miền Trung, khiến ngành điện tuy có khả năng dồi dào cung cấp điện ở phía Bắc nhưng vẫn chưa đáp ứng được vấn đề lớn.
Thi công trạm biến áp 500kV Pleiku 2. Nguồn: TTXVN

Trong giai đoạn này, ngành Điện đứng trước mâu thuẫn: Một mặt, miền Bắc sản xuất lượng điện dồi dào, đủ cung cấp cho cả nước, thậm chí dự kiến có thể bán phần điện dư thừa ra nước ngoài để thu ngoại tệ. Mặt khác, miền Nam - đầu tàu số 1 về phát triển kinh tế quốc dân lại đang thiếu điện nghiêm trọng cho sản xuất. Cứ vài hôm có điện lại vài hôm phải cắt điện, thành một chu kỳ suốt mấy năm liền.

Số liệu thống kê chỉ rõ rằng ở miền Bắc có tổng công suất nguồn điện lớn (7.500MW), trong khi sản lượng điện tiêu thụ lại thấp (4.876 triệu kWh). Còn ở miền Nam có tổng công suất nguồn điện nhỏ (1.031,8MW) so với miền Bắc, nhưng sản lượng điện tiêu thụ lại lớn (3.267 triệu kWh).

Ở miền Trung cũng tương tự miền Nam, chỉ khác là quy mô, mức độ công suất nguồn điện và sản lượng điện tiêu thụ đều nhỏ so với cả hai miền kia. Điều đó cũng là tất nhiên bởi đặc điểm dân cư, đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền là không đồng đều, có sự khác nhau nhất định.

Thêm nữa, tình trạng không kết nối điện giữa các vùng, miền, nhất là miền Bắc - miền Trung - miền Nam của đất nước ta vẫn tồn tại kéo dài từ các giai đoạn trước cho đến đầu những năm 1990 và ngày càng tệ hại hơn, gây bức xúc hơn.

Mặc dù từ tháng 6/1989, nguồn điện cung cấp được bổ sung đáng kể nhưng không đáp ứng kịp với sự tăng của phụ tải (tăng khoảng 37,42%). Vào thời điểm ấy, cả nước có gần 6.000 doanh nghiệp nhà nước và hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân; có 12.927.297 hộ gia đình và nhiều cá nhân sử dụng điện, khiến mỗi ngày trung bình cả nước thiếu gần 1 triệu kWh điện.

Nhiều thành phố, khu dân cư vẫn xảy ra tình trạng các đơn vị và hộ dân sử dụng điện lãng phí; không ít các địa bàn trong cùng một thành phố, thị xã, do lưới điện kéo tới không đều nên xảy ra tình trạng nơi thừa và nơi thiếu điện. Thậm chí có nơi các hộ dân “đua nhau” mua và sử dụng máy tăng áp loại nhỏ để sáng điện nhà mình, nhưng khi nhà này bật lên thì nhà kia bị sụt giảm điện áp !

Việc câu móc trộm điện diễn ra phổ biến, có địa bàn phường, xã ở thành phố tới mức trầm trọng. Một số hộ đơn vị, hộ dân kéo điện từ lưới điện vào nơi ở không dùng dây bọc nhựa, không đảm bảo chất lượng dây, dẫn đến nguy cơ mất an toàn về phòng chống cháy nổ.

Nguyên nhân của tình trạng trên không phải do các nguồn điện cung cấp có công suất giảm đi, hay có sự hỏng hóc, trục trặc về kỹ thuật của máy móc, lưới truyền tải điện dẫn tới tình trạng đó. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tập trung chủ yếu vào mấy nguyên nhân như: Vẫn còn cơ chế quản lý bao cấp về điện. Do vốn đầu tư ít nên phải tập trung đầu tư cho các công trình điện phục vụ sản xuất, còn các công trình phúc lợi chưa được chú ý xây dựng.

Việc chỉ đạo, quản lý của các địa phương (cấp tỉnh, thành phố), nhằm giảm tổn thất điện năng chưa được thực hiện quyết liệt, triệt để. Cụ thể, năm 1990 chỉ tiêu thực hiện tổn thất điện năng là 29,55%, vượt 9,95% so với kế hoạch. Việc thực hiện chỉ tiêu sản lượng, thực thi phương án phân phối điện cho các yêu cầu ưu tiên còn chưa được coi trọng, nhất là tại một số địa bàn trọng điểm. Các phương thức quản lý cũng chưa được chú trọng thực hiện. Các quy định, quy trình kinh doanh bán điện, quản lý khách hàng chưa chặt chẽ và việc thực hiện chưa tốt nên hiệu quả kinh doanh thấp.

Thay sứ cách điện composite trên đường dây Pleiku - Đắk Nông. Nguồn: TTXVN

Một thực tế là nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tăng lên nhanh chóng, nhất là ở các thành phố, thị xã, khu vực miền Nam, tiếp đến là miền Trung, khiến ngành Điện tuy có khả năng dồi dào cung cấp điện ở phía Bắc, nhưng vẫn chưa đáp ứng và chưa giải quyết được vấn đề lớn. Bên cạnh đó, còn không ít hộ dân, cơ quan, đơn vị thiếu ý thức về khai thác, sử dụng điện, gây lãng phí điện, chỉ biết đến lợi ích cá nhân, tập thể đơn vị mình, mà quên lợi ích của cộng đồng đã làm đậm thêm màu tối của bức tranh điện lực cả nước.

Tình trạng thiếu điện căng thẳng ở miền Nam và thừa điện ở miền Bắc không phải là ngẫu nhiên mà có. Vì thứ nhất, tình trạng đó là hệ quả tất yếu của một dân tộc phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát, vì phải đương đầu chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của thực dân, đế quốc.

Thứ hai, từ việc chia cắt địa lý do chiến tranh, dẫn tới sự phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng, miền của đất nước không đồng đều. Miền Nam phát triển kinh tế thị trường do các nhà tư bản điều hành, đầu tư xây dựng. Còn miền Bắc phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đối lập về cơ bản với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Sau khi thống nhất Tổ quốc và sau năm 1986, mặc dù kinh tế đất nước hợp lại và phát triển theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước, nhưng dấu ấn của những sự khác biệt về kinh tế, xã hội giữa các vùng, miền vẫn khá đậm nét cho đến nhiều năm sau.

Thứ ba, chừng nào tư tưởng, tác phong và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân dân vẫn chưa thoát khỏi nền sản xuất nhỏ, tiểu nông, chuyển sang nếp nghĩ, lối sống và tác phong của nền sản xuất lớn - sản xuất công nghiệp, thì vẫn còn tình trạng thiếu điện căng thẳng ấy, vẫn còn là vấn đề lớn gây cản trở, ách tắc cho sự phát triển toàn diện của đất nước ta.   

Rõ ràng là đã đến thời điểm chín muồi Đảng và Nhà nước ta cùng ngành Điện phải có những giải pháp lớn và cơ bản, phải có những quyết định ở tầm vĩ mô mang tính “đột phá” để giải quyết triệt để tình trạng căng thẳng, bức xúc kéo dài nhiều năm - kéo dài tới cả đầu những năm 1990, vừa tháo gỡ “cái nút” đang buộc chặt gây cản trở sản xuất, cản trở sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của nhân dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục